Bộ Ngoại giao hỗ trợ địa phương Tây Bắc Bộ hội nhập quốc tế và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số

Ngày 22/8, tại thành phố Điện Biên Phủ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị khu vực Tây Bắc Bộ về 'Hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số: Những vấn đề đặt ra với địa phương, doanh nghiệp'.

Đây là hoạt động trọng điểm do Bộ Ngoại giao tổ chức trong năm 2019 nhằm kết nối, hỗ trợ khu vực Tây Bắc Bộ trong nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, nhất là triển khai Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Dương (CPTPP).

Tham dự Hội nghị có đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tỉnh Điện Biên, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, lãnh đạo của các đơn vị của Bộ Ngoại giao, các diễn giả có uy tín từ Tổ Biên tập tiểu ban Kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và lãnh đạo các Ủy ban Nhân dân, Sở, ban, ngành và doanh nghiệp của 06 tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ, gồm Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ những đánh giá về tình hình thế giới và khu vực, xu thế phát triển và liên kết kinh tế quốc tế, đồng thời khẳng định năm 2019 đánh dấu giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, với việc triển khai các FTA “thế hệ mới”, cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn caonhư CPTPP, ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU(EVFTA), đẩy mạnh triển khai các FTA quan trọng như ASEAN - Trung Quốc, ASEAN -Hàn Quốc,…. Với mạng lưới 16 FTA đã, đang và sẽ triển khai, nước ta đang đứng trước những cơ hội to lớn để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, song cũng đối mặt với nhiều thách thức, nhất là với các doanh nghiệp và địa phương. Để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với công nghệ số, hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi sự quyết tâm, đồng hành của các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cùng các diễn giả dự Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thứ trưởng nhấn mạnh, với trọng trách là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, nước ta sẽ có điều kiện đóng góp tích cực vào quá trình định hình các cấu trúc mới ở khu vực và toàn cầu, nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, tranh thủ các cơ hội phát triển kinh tế đất nước. Thứ trưởng cũng nêu bật một trong những trọng tâm của ngành ngoại giao là phục vụ phát triển, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong triển khai hội nhập kinh tế quốc tế; khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Tây Bắc Bộ nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và đồng hành với các địa phương, nhất là quá trình xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của chủ đề và các nội dung thảo luận tại Hội nghị đối với khu vực Tây Bắc Bộ. (ảnh Tuấn Anh)

Hội nghị đã nghe các chuyên gia báo cáo về tình hình thế giới, khu vực và triển khai hội nhập quốc tế của Việt Nam, triển vọng kinh tế thế giới và xu thế liên kết kinh tế quốc tế, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2030 và một số vấn đề đặt ra với các tỉnh Tây Bắc Bộ để phát triển nhanh và bền vững, các cam kết chính trong các FTA “thế hệ mới” và các cơ hội đặt ra với địa phương và doanh nghiệp…

Tại Hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp đã trao đổi trực tiếp nhiều vấn đề quan tâm với các đơn vị của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, VCCI như lồng ghép các nội dung hội nhập quốc tế trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời đại số, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại trong ASEAN và với các thị trường lân cận, thu hút đầu tư chất lượng cao, xử lý vấn đề gian lận thương mại, nâng cao khả năng thích ứng trước những biến động kinh tế - thương mại quốc tế…

Các đại biểu tham gia Tọa đàm trao đổi về thực thi các cam kết kinh tế quốc tế và những khó khăn, vướng mắc với địa phương và doanh nghiệp.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm trao đổi về thực thi các cam kết kinh tế quốc tế và những khó khăn, vướng mắc với địa phương và doanh nghiệp.

Các đại biểu đánh giá cao nội dung thiết thực của hội nghị, sự đổi mới sáng tạo của Bộ Ngoại giao trong đồng hành, giúp các địa phương nắm bắt những thông tin cập nhật về tình hình thế giới, khu vực và triển khai hội nhập quốc tế của Việt Nam, các cơ hội đặt ra với địa phương và doanh nghiệp nhất là trong triển khai các FTA thế hệ mới… qua đó hỗ trợ các địa phương trong đề xuất, xây dựng chính sách và triển khai hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cho các cán bộ và doanh nghiệp địa phương.

Hội nghị là hoạt động trọng điểm do Bộ Ngoại giao tổ chức trong năm 2019 nhằm kết nối, hỗ trợ khu vực Tây Bắc Bộ trong nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. (Ảnh: Tuấn Anh)

Anh Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bo-ngoai-giao-ho-tro-dia-phuong-tay-bac-bo-hoi-nhap-quoc-te-va-phat-trien-ben-vung-trong-ky-nguyen-so-99762.html