Bộ ngực phì đại khiến cô gái trẻ đẹp khuyết lõm hai lồng ngực, thoát vị đệm

Từ sau dậy thì, cô bé N.T.A (SN 2000, Đà Nẵng) thấy ngực phát triển nhanh hơn các bạn cùng lớp, đến năm lớp 10 nó đã to và dài gấp 5, 6 lần bình thường.

Ngoài chuyện mất thẩm mỹ thì bộ ngực quá khổ còn làm cho T.A rất khó khăn trong sinh hoạt, đi đứng luôn phải khom lưng cho đỡ lộ. Những lúc ngồi học bài T.A thường phải kê ngực lên bàn học cho đỡ nặng. Dần dần dấu hiệu gù lưng cùng các cơn đau vai gáy càng trở nên rõ ràng hơn.

Tốt nghiệp đại học, chưa đi làm vội, cô gái có gương mặt xinh xắn T.A tìm hiểu các biện pháp để "giải quyết" bộ ngực quá khổ.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức - cho biết T.A mắc chứng phì đại tuyến vú kèm theo sa trễ ở mức độ trầm trọng. Do tuyến vú quá to nên cột sống đã bắt đầu biến dạng gây thoát vị đệm.

Tuyến vú to quá còn đè nặng lên lồng ngực gây khuyết lõm cả hai lồng ngực ảnh hưởng tới chức năng hô hấp. Người bệnh rất cần một phẫu thuật thu nhỏ ngực để không chỉ cải thiện thẩm mỹ mà cả chức năng sống.

Đến nay có nhiều phương pháp phẫu thuật thu nhỏ ngực. Đối với vú phì đại lớn kèm theo sa trễ trầm trọng độ 3 trở lên, các phẫu thuật viên thường phải lựa chọn phương pháp cắt ghép núm vú hoặc tạo vạt da tuyến vú để di chuyển phức hợp quầng núm vú lên cao. Sau đó thể tích vú thừa sẽ được cắt bỏ và khâu lại theo dạng mỏ neo (chữ T ngược) hoặc hình kẹo mút (sẹo dọc hoặc L).

Cả 2 đường sẹo lớn này đều để lại kết quả chia cắt vú thành 2 - 3 phần bằng các đường ngang dọc không chạy theo 1 đường thẩm mỹ nào cả. Đây là 2 đường rạch kinh điển được thực hiện phổ biến tại các nước Âu Mỹ nhưng lại có thể cho kết quả rất mất thẩm mỹ cho người châu Á, nhất là người Việt.

Chưa kể đến các phương pháp cắt ghép hoặc tạo vạt da tuyến để di chuyển phức hợp quầng núm vú lên cao thường dẫn đến mất cảm giác núm vú, hoại tử nhiều ít và mất giảm khả năng cho bú sau này.

Kỹ thuật tạo hình thu nhỏ vú tối ưu phải đạt được mục tiêu thu nhỏ thể tích ngực nhưng vẫn phải duy trì hình dạng tính thẩm mỹ của vú, cộng với giữ được tối đa cảm giác, sức sống của núm vú cũng như khả năng cho bú sau này, nhất là cho các phụ nữ trẻ.

Chính vì vậy PGS Hà và các bác sĩ đã cải tiến kỹ thuật thu nhỏ ngực phì đại mức độ 3 trở lên chỉ với 1 đường rạch tròn thẩm mỹ quanh quầng vú.

Để thực hiện được kỹ thuật này các các sĩ đã phải sử dụng các máy móc hiện đại nhất về chẩn đoán hình ảnh để phải xác định được mạch máu nuôi cấp máu cho phức hợp quầng núm vú ở vị trí nào; độ sâu ra sao; mạch máu chủ đạo đến từ phía trên, dưới, trong, ngoài...

Sau đó các bác sĩ dựng hình tuyến vú trên hình ảnh 3D để xác định nên cắt và bảo tồn phần nào, vị trí đường đi của các nhánh thần kinh cần phải bảo tồn.

Để đảm bảo giữ tối đa sức sống cho phức hợp quầng núm vú, ngay trong mổ một chuyên gia chẩn đoán hình ảnh cùng với máy siêu âm màu độ phân giải cao luôn luôn phối hợp cùng kíp phẫu thuật để đảm bảo không làm tổn thương cuống mạch trong mổ.

Sau cuộc mổ người bệnh có bộ ngực mới nhỏ hơn nhiều nhưng vẫn giữ được sức sống, cảm giác, khả năng cho bú.

Kỹ thuật này có thể áp dụng cho cả trường hợp vú phì đại, sa trễ ở nữ giới và đàn ông bị chứng vú to, hay thu nhỏ vú cho các bệnh nhân xác định lại giới tính.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm, nếu tuyến vú quá to không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khó khăn trong sinh hoạt mà có thể ảnh hưởng đến chức năng, gù vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, biến dạng lồng ngực…

Các bệnh nhân phì đại lớn hơn mức trung bình 300-350 gram có thể cần phẫu thuật để giảm thiểu các biến chứng trên. Tuy nhiên phương pháp phẫu thuật cần được cá biệt hóa cho từng chủng tộc khác nhau.

T.Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//bo-nguc-phi-dai-khien-co-gai-tre-dep-khuyet-lom-hai-long-nguc-thoat-vi-dem-169220713090655242.htm