'Bỏ rơi' quyền lợi khách hàng

Những ngày gần đây, dư luận bức xúc trước việc hàng loạt đơn vị dừng tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật..., đặc biệt là chứng chỉ IELTS (International English Language Testing System) của Hội đồng Anh (British Council) và Tổ chức Giáo dục IDP (Australia).

Ngày 11-11, trả lời báo chí, đại diện Hội đồng Anh cho biết, đơn vị này quyết định hoãn thi IELTS là nhằm tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT tại Thông tư số 11/2022/BGDĐT ban hành ngày 26-7-2022.

Trước đó, ngày 10-11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng cho rằng: “Việc một số tổ chức/đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD-ĐT phê duyệt theo quy định. Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức/đơn vị”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng thông tin thêm, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các bên liên kết thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức (trực tiếp, gián tiếp, qua điện thoại, e-mail) và khẩn trương trong việc nghiên cứu các đề án và tổ chức thẩm định; tuy nhiên việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng. Do đó, Bộ GD-ĐT chưa đủ căn cứ để phê duyệt.

Rõ ràng, Thông tư 11 được ban hành ngày 26-7-2022 và có hiệu lực từ ngày 10-9-2022 nhưng đến ngày 9-11 Hội đồng Anh mới ra thông báo tạm dừng kỳ thi cấp chứng chỉ IELTS là sự coi thường khách hàng một cách khó chấp nhận. Bản thân các tổ chức nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục phải có nghĩa vụ tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật Việt Nam. Thế nên, một khi chính sách có sự thay đổi, các tổ chức, đơn vị phải tiến hành các thủ tục cần thiết để đáp ứng quy định mới trước khi tiếp tục hoạt động chứ không phải chờ “nước đến chân mới nhảy” khiến xã hội xáo trộn như vừa qua.

Chưa kể, cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện văn bản, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lấy ý kiến trực tiếp và gián tiếp đối với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước, quốc tế và đã nhận được sự đồng thuận. Thời gian lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức là 60 ngày theo quy định của pháp luật nhưng trên thực tế dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT từ tháng 11-2021 và được ban hành vào cuối tháng 7-2022.

Thế nên, sự chậm trễ tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam dẫn đến quyết định ra “thông báo” một cách bất ngờ như cách Hội đồng Anh và nhiều đơn vị khác hành xử với khách hàng Việt Nam như mới đây càng là điều khó chấp nhận. Đó là sự coi thường pháp luật và khách hàng chứ không phải “thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam” như phát biểu của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Thông báo của Hội đồng Anh không phải là “quyết định nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi và có ảnh hưởng tới tất cả các kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam” mà rõ ràng là sự ngụy biện để trốn tránh trách nhiệm, xem thường và “bỏ rơi” quyền lợi khách hàng.

Ở đây cũng cần đặt trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Việc dừng tất cả các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cho thấy cách làm theo tư duy cũ, “không quản được thì cấm”. Với các quy định và công cụ pháp lý trong tay, Bộ GD-ĐT có thừa khả năng để thanh tra, kiểm tra các tổ chức có vấn đề. Khi có sai phạm thì xử phạt theo quy định của pháp luật. Không phải kỳ thi nào cũng có vấn đề, do đó trước khi đưa ra quyết định, Bộ GD-ĐT cần phải cân nhắc đến quyền lợi của người học.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//bo-roi-quyen-loi-khach-hang-855698.html