Bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế

Ngày 8/11, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Theo đó, bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế nhằm mục tiêu giải quyết các bất cập trong quản lý giá giai đoạn vừa qua. Đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng phải kê khai giá. Quy định cụ thể nội dung kê khai giá gồm giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, chi phí quản lý, chi phí đào tạo, bồi dưỡng, chi phí bảo hành, lợi nhuận dự kiến và giá bán cuối cùng. Quy định chỉ chủ sở hữu số lưu hành hoặc đơn vị phân phối được chủ sở hữu ủy quyền mới được thực hiện việc công khai giá và các nhà phân phối còn lại không được bán hơn giá mà chủ sở hữu số lưu hành đã công khai đồng thời phải niêm yết, công khai giá mà nhà phân phối đó bán. Cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (không chỉ Bộ Y tế) được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.

Sản xuất bơm kim tiêm vắc-xin Covid-19 tại Công ty thiết bị y tế Vinahankook (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Sản xuất bơm kim tiêm vắc-xin Covid-19 tại Công ty thiết bị y tế Vinahankook (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em. Theo đó, đối với ca bệnh Covid-19 là trẻ em được chia thành bốn mức độ (nhẹ, trung bình, nặng, nguy kịch) để điều trị; đồng thời cũng có các hướng dẫn cụ thể về can thiệp tim phổi nhân tạo, điều trị chống đông, kiểm soát đường huyết, các phương pháp điều trị cho những trẻ sơ sinh nhiễm Covid-19, chế độ dinh dưỡng cho trẻ mắc Covid-19… Bộ cũng ban hành Thông tư hướng dẫn giá xét nghiệm SARS-CoV-2 áp dụng trong các trường hợp: Thanh toán bảo hiểm y tế; người sử dụng dịch vụ tự chi trả; các trường hợp được ngân sách nhà nước chi trả.

Bộ Y tế đã có công văn khẩn đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128 và Quyết định số 4800/QĐ-BYT; chủ động thường xuyên đánh giá cấp độ dịch theo từng cấp (từ cấp xã và khuyến khích quy mô nhỏ nhất có thể) để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp và công bố, cập nhật kết quả đánh giá trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và cổng thông tin điện tử Bộ Y tế. Tăng cường chủ động rà soát, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT và Công điện số 1700/CĐ-BYT ngày 25/10/2021 của Bộ Y tế. Các địa phương chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh (không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố). Ngoài ra, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể các địa phương tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho những người đã tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; những người chưa tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19; những người chưa tiêm vắc-xin Covid-19 về địa phương từ vùng dịch. Riêng đối với những người đã tiêm chủng vắc-xin Covid-19 hoặc khỏi Covid-19 tại nước ngoài, thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

Chiều 9/11, Bộ Y tế tiếp nhận 1.910 tủ lạnh bảo quản vắc-xin, năm triệu bơm kim tiêm và 50 nghìn hộp an toàn đựng bơm kim tiêm trong khuôn khổ dự án do Chính phủ Australia phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam.

Ngày 9/11, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 222 ca mắc Covid-19 mới, trong đó tại cộng đồng 105 ca, khu cách ly 97 ca, khu phong tỏa 9 ca. Đến hết ngày 8-11, đã giám sát tổng số 12.027 người từ các tỉnh, thành phố trên cả nước trở về Hà Nội, trong đó ghi nhận 100 người dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Trong số 100 ca dương tính này, có 61 người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng Covid-19, 24 người đã tiêm một mũi, tám người chưa tiêm và bảy người chưa đến tuổi tiêm chủng.

Từ 0 giờ ngày 11/11, UBND thành phố Cần Thơ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo cấp độ 3 (nguy cơ cao, vùng vàng) tăng thêm một cấp so với trước do dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ngày 9/11, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ trước đến nay, với 379 trường hợp, trong đó, có 105 ca nhiễm trong cộng đồng. Dịch bệnh đã lây lan nhiều khu vực cộng đồng dân cư, một số doanh nghiệp và Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười. Nguyên nhân số ca tăng cao có thể do số trường hợp nhiễm trong cộng đồng một thời gian dài nhưng phát hiện chậm; người về từ vùng dịch thực hiện không tốt việc cách ly tại nhà, khai báo không trung thực; bên cạnh đó có tâm lý lơ là không tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch của một bộ phận người dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo cần tiếp tục đề xuất lãnh đạo tỉnh, thành phố quan tâm tiêm vắc-xin cho học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi. Trên cơ sở bộ tiêu chí về an toàn trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các địa phương, cơ sở giáo dục cần bảo đảm đủ các điều kiện mới đưa học sinh quay trở lại trường học.

Ngày 9/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.133 ca nhiễm mới, gồm bốn ca nhập cảnh và 8.129 ca ghi nhận trong nước (tăng 175 ca so với ngày 8/11) tại 55 tỉnh, thành phố. TP Hồ Chí Minh là địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày nhiều nhất, với 1.276 ca, Đồng Nai 923 ca, Bình Dương 619 ca, Sóc Trăng 572 ca… Trong ngày có 1.325 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 88 ca tử vong tại 18 tỉnh, thành phố.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/bo-sung-cac-bien-phap-quan-ly-gia-trang-thiet-bi-y-te--673278/