Bổ sung cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách cho Thủ đô Hà Nội là phù hợp với thực tế phát triển

Ngày 12-6, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính- ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội nhằm tạo điều kiện phát triển thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học của đất nước, khẳng định vai trò đầu tàu, động lực kinh tế của Thủ đô Hà Nội ở phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng cơ chế này sẽ góp phần huy động được nguồn tài chính, theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách cho thành phố, phù hợp với thực tế phát triển. Đại biểu nhấn mạnh, đứng trước mục tiêu đến năm 2025 xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là động lực phát triển của vùng và của cả nước, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo, duy trì tăng trưởng kinh tế cao, trở thành đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh, thì việc ban hành chính sách riêng đối với Hà Nội là cần thiết.

 Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu phân tích thêm, Hà Nội là địa phương duy nhất có Luật Thủ đô. Tuy nhiên, các quy định về cơ chế tài chính, chính sách chưa thực sự phù hợp nhu cầu phát triển của Hà Nội. Do đó, việc xem xét, bổ sung cơ chế chính sách tài chính-ngân sách cho phép Hà Nội huy động các nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động ngân sách cho thành phố là phù hợp với thực tế phát triển.

Theo đại biểu tỉnh Ninh Thuận, có đại biểu cho rằng chỉ nên dành cơ chế đặc thù cho tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn để giúp cho các tỉnh đó vươn lên. “Nhưng theo tôi, đúng là địa phương nào cũng có đặc thù nhưng mỗi địa phương có điều kiện khác nhau thì cơ chế cũng có quy định riêng cho các địa phương ấy. Trong thời gian qua, có quá nhiều đặc thù mà ít nhiều cũng gây ra sự hiểu lầm như kiểu đặc quyền, đặc lợi... Do đó không nên dùng từ đặc thù trong văn bản này và cân nhắc bỏ từ đặc thù trong dự thảo nghị quyết”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương góp ý. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô một cách kịp thời, phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố trong thời gian tới.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng hiện nay chưa có đánh giá tổng kết để điều chỉnh sửa đổi Luật Thủ đô, thì việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù lần này là thử nghiệm để có thêm cơ sở đánh giá các nội dung mới.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ nhất trí cao với các cơ chế chính sách về tài chính-ngân sách dành cho TP Hà Nội. Theo đại biểu, trong số 9 cơ chế Chính phủ trình Quốc hội thì có đến 7 cơ chế là tương đồng với cơ chế thí điểm đối với TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Đối với 2 nội dung khác, việc cho phép Hà Nội sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dôi dư để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu thực chất là tiết kiệm chi thường xuyên để chi đầu tư. Đây là điều rất cần khuyến khích. Đối với cơ chế sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ các địa phương khác là thể hiện được tinh thần “cả nước vì Hà Nội và Hà Nội vì cả nước”.

Đại biểu cho biết thêm, các cơ chế chính sách đã áp dụng thí điểm với TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 hiện áp dụng hiệu quả, dần phát huy trên thực tế như việc bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí. Nếu xác định mức phí, lệ phí phụ thuộc vào nhu cầu phát triển dịch vụ công và khả năng chi trả, phù hợp với từng khu vực sẽ góp phần tạo ra được dịch vụ công tốt hơn.

Về việc ngân sách TP Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, quy định này sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch các cơ sở sử dụng các tài sản đất đai không hiệu quả. Hay như đối với đề xuất cho phép TP Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, cũng hoàn toàn phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và khuyến khích địa phương hỗ trợ doanh nghiệp quản trị tốt hơn và khi cổ phần hóa thu được giá trị cao hơn.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận các ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, giải trình để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/bo-sung-co-che-chinh-sach-tai-chinh-ngan-sach-cho-thu-do-ha-noi-la-phu-hop-voi-thuc-te-phat-trien-622813