Bổ sung quyền công dân được tiếp nhận thông tin về đất đai
Theo ông Cao Kim Kiểm,Tổng Thư ký Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cần xem xét bổ sung quyền của công dân được tiếp cận thông tin về đất đai, tránh bị lừa đảo.
Tiếp cận thông tin đất đai tránh bị lừa đảo
Ông Cao Kim Kiểm, Tổng Thư ký Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có một số vấn đề cần phải xem xét, chỉnh sửa, trong đó có quyền tiếp cận thông tin đất đai.
Tại điều 25, quyền tiếp cận thông tin đất đai đã quy định những loại thông tin mà công dân được quyền tiếp cận bao gồm: Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; bảng giá đất đã được công bố; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; Thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.
Trong thực tế cuộc sống hiện nay, công dân có nhu cầu được tiếp cận thông tin về hiện trạng quyền sử dụng đất để phục vụ cho các giao dịch mua bán, hoặc hoàn thành các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất. Có thể thấy đối với giao dịch mua bán, chuyển nhượng, tra cứu thông tin về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ giúp người mua nhà tránh được những giấy tờ giả mạo.
“Vì thế nên chăng xem xét bổ sung quyền của công dân được tiếp cận thông tin về hiện trạng sử dụng đất (hoặc chứng nhận quyền sử dụng đất)”, ông Kiểm nêu ý kiến.
Cũng liên quan tới nội dung này, theo ông Kiểm, tại khoản 11 điều 12 (những hành vi bị nghiêm cấm) ghi: Cấm "11. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật." Ông Kiểm kiến nghị bỏ chữ "Không" ở đầu câu để đảm bảo hiểu đúng.
Ngoài ra, Dự thảo Luật Đất đai đã định nghĩa rất nhiều khái niệm trong Điều 3. Tuy nhiên, khái niệm "thông tin đất đai" chưa được định nghĩa rõ, mặc dù được đề cập khá nhiều trong nội dung Dự thảo. Vì thế, ông Kiểm kiến nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung định nghĩa khái niệm "thông tin đất đai" vào điều 3.
Thêm quy định về dữ liệu mở với đất đai
Ông Cao Kim Kiểm cho biết, Điều 160 Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về đất đai đã quy định về các thành phần dữ liệu của CSDLquốc gia về đất đai. Thông tin về hiện trạng sử dụng đất có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân khi có nhu cầu chuyển nhượng, mua bán quyền sử dụng. Nên chăng cần có dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất trong danh mục các thành phần của CSDL quốc gia về đất đai.
Liên quan tới dữ liệu về đất đai, trong khoản 2 điều 160 về thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai không có "Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia" trong khi tại khoản 2 điều 161 lại đưa ra khái niệm "Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia".
Ông Kiểm đề nghị xem xét biên tập lại thành: "2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là tài sản của Nhà nước phải được bảo đảm an ninh, an toàn chặt chẽ; nghiêm cấm mọi hành vi truy cập trái phép, phá hoại, làm sai lệch thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai."
Về vấn đề khai thác thông tin đất đai, ông Kiểm đề nghị, Dự thảo Luật cần xem xét, bổ sung nội dung liên quan đến Dữ liệu mở. Trong xây dựng Kinh tế số, Chính phủ số, Xã hội số, vấn đề Dữ liệu mở đang rất được quan tâm. Tại điểm c khoản 6 điều 161 (Khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai) quy định tổ chức và cá nhân có nhu cầu khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai "phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai".
“Quy định này có thể hạn chế quyền khai thác thông tin của tổ chức cá nhân. Do đó nên chăng cần có thêm quy định về những loại hình dữ liệu mở đối với dữ liệu về đất đai để người dân có thể dễ dàng khai thác sử dụng khi có nhu cầu”, ông Kiểm cho hay.
Thời hạn giao đất nông nghiệp nên tương đương một đời người
Góp ý vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), ông Cao Minh Kiểm cho rằng, ban soạn thảo cũng nên xem xét lại về nội dung Đất sử dụng có thời hạn tại điều 166.
Cụ thể, Khoản 1 điều 166 có quy định "Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 170 của Luật này là 50 năm".
“Tôi chưa biết rõ căn cứ để đưa ra khoảng thời gian này là gì. Nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ thời hạn giao đất nên tương đương ít nhất với thời gian một đời người. Hiện nay tuổi thọ bình quân của người Việt đã là khoảng 73. Do vậy nên chăng tăng thời hạn giao đất ở khoản 1 của điều 166 lên 70 năm. Như vậy chúng ta có thể đảm bảo 2-3 thế hệ của người sử dụng đất được sử dụng ổn định, lâu dài”, ông Kiểm cho hay.
Với khoản 6 điều 166, ông Kiểm đề nghị xem xét biên tập, bổ sung cụm từ "Thời gian giao, cho thuê" ở đầu câu để làm rõ hơn.
Chúng ta thấy ở hầu hết các khoản khác của điều này đều có cụm từ "thời hạn", trong khi khoản 6 của điều 166 này không quy định như vậy. Vì thế câu này có thể không rõ ràng.
Việc bổ sung cụm từ "Thời hạn giao, cho thuê..." vào đầu câu sẽ làm rõ hơn thời hạn giao, cho thuê đất (để thành "6. Thời hạn giao, cho thuê đất xây dựng công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 192 của Luật này và các công trình công cộng có mục đích kinh doanh không quá 70 năm").
Ngoài ra, về nội dung quản lý nhà nước về đất đai ở điều 21, theo ông Kiểm, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược,…là một trong hoạt động quan trọng của quản lý nhà nước.
Tuy nhiên ông thấy dường như nội dung quản lý nhà nước về đất đai còn chưa đề cập đến vấn đề này. Nên chăng cần bổ sung điều khoản về liên quan đến xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào quản lý nhà nước về đất đai.