Bổ sung vi chất dinh dưỡng: Tạo cơ hội tiếp cận cho mọi người dân

Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các thực phẩm thiết yếu đã được minh chứng là biện pháp đơn giản và hiệu quả để tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực đơn hàng ngày.

Tùy vào tình trạng dinh dưỡng mỗi nước mà có cách bổ sung khác nhau. Ở nước ta, sau iốt bổ sung vào muối, kẽm, sắt và

vitamin A sẽ được bổ sung vào bột mỳ, dầu thực vật để cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể nhưng lại không được cung cấp đầy đủ qua bữa ăn hàng ngày.

Dinh dưỡng kém

Một chế độ dinh dưỡng tốt bao gồm đầy đủ những thực phẩm chứa các vitamin và chất khoáng. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn thường sử dụng những thực phẩm thiết yếu không có đủ các chất dinh dưỡng và vì thế dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin và chất khoáng, nguyên nhân chính của suy dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ em và năng suất lao động của người lớn.

Trên thế giới, có khoảng 1/4 dân số vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt vitamin và các chất khoáng cần thiết. Sự thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như iốt, vitamin A, sắt, axit folic và kẽm, mặc dù rất khó phát hiện, song có thể đưa đến những hậu quả to lớn. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, hoặc chí ít cũng làm con người mệt mỏi, thiếu tỉnh táo. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ.

Ở nước ta, có 54,3% phụ nữ có thai và 63,6% trẻ dưới 5 tuổi trong tình trạng thiếu sắt hoặc thiếu máu; 80% phụ nữ có thai và 69,4% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm; 35% phụ nữ đang cho con bú có sữa mẹ với hàm lượng vitamin A thấp. Mức độ thiếu hụt vi chất dinh dưỡng này được xác định là cao trong lĩnh vực y tế công cộng.

Theo PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), thiếu vi chất dinh dưỡng cho thấy bữa ăn hàng ngày không cung cấp đủ chất. Thống kê từ năm 1985 - 2010 cho thấy tỷ lệ thịt sử dụng trong bữa ăn tăng nhanh, từ 13,6g/người/ngày tăng lên 84g. Tuy nhiên, tỷ lệ cá, trứng sữa lại tăng chậm (cá từ 40,1g lên 59,8g, trứng sữa từ 1,7g lên 32,2g). Điều này chứng tỏ cơ cấu bữa ăn của người Việt có sự thay đổi nhiều về năng lượng nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở chất đạm và béo còn các dưỡng chất khác dường như không có sự khác biệt đáng kể.

Bổ sung vi chất vào nguyên liệu thực phẩm: Việc làm cần thiết

Thành công của chiến dịch toàn cầu về muối iốt là một ví dụ điển hình cho việc xóa bỏ tình trạng thiếu iốt trong cộng đồng dân cư. Chỉ cần thêm một lượng iốt nhỏ vào mỗi gói muối, hàng triệu người dân đã được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh liên quan đến chất trên và hàng triệu trẻ em sinh ra cũng thoát khỏi căn bệnh thiểu năng trí tuệ do thiếu iốt.

Tiếp theo của thành công trên, từ giữa tháng 3/2016, Việt Nam cũng có quy định bắt buộc về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu thực phẩm. Theo đó, iốt tiếp tục được bổ sung vào muối, sắt và kẽm được bổ sung vào bột mỳ, vitamin A sẽ có mặt trong dầu ăn. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang, việc bắt buộc tăng cường một số vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm nhằm tăng cường iốt để phòng, chống bệnh bướu cổ, đần độn và các rối loạn do thiếu iốt gây ra.

Tăng cường sắt vào bột mỳ để phòng, chống thiếu máu thiếu sắt và khắc phục các hậu quả do thiếu máu thiếu sắt gây ra như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, giảm phát triển trí tuệ. Tăng cường kẽm vào bột mỳ để cải thiện tăng trưởng góp phần nâng cao tầm vóc con người và phòng, chống một số rối loạn chuyển hóa, biệt hóa tế bào, bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn phát triển xương, suy giảm chức năng sinh dục. Bổ sung vitamin A vào dầu thực vật để phòng, chống khô mắt, mù lòa và khắc phục các hậu quả như còi cọc, suy dinh dưỡng do thiếu vitamin A gây ra và góp phần tăng cường sức đề kháng cơ thể.

Ngân hàng Thế giới ước tính, Việt Nam mất khoảng 544 triệu đô la Mỹ mỗi năm trong tổng thu nhập bình quân đầu người GDP do thiếu hụt vitamin và khoáng chất ở người dân. Đạt được phổ cập muối iốt toàn dân có thể dẫn đến việc thu lại 3.000% lợi nhuận từ đầu tư vào con người.

Do vậy, có thể coi tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là một can thiệp hiệu quả về mặt kinh tế vì ngăn chặn các vấn đề về sức khỏe có liên quan đến việc thiếu hụt chất dinh dưỡng sẽ tiết kiệm được hơn rất nhiều so với việc điều trị các bệnh có liên quan.

Ngoài ra, những thiếu hụt này làm giảm khả năng phát triển trí tuệ của trẻ, dẫn đến kết quả học tập của trẻ kém và hạn chế khả năng thu nhập của trẻ trong tương lai.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, quy định đã có, vấn đề là việc phối hợp giữa các bộ, ngành và việc thực thi pháp luật của các đơn vị sản xuất.

Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là cách làm hiệu quả, phản ứng kịp thời với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam, qua đó sẽ cải thiện sức khỏe của người dân vì người tiêu dùng sẽ không phải xác định và lựa chọn những sản phẩm đặc biệt có bổ sung vi chất dinh dưỡng hoặc thay đổi thói quen và khẩu phần ăn uống thường lệ. Các đơn vị sản xuất hãy coi đây là cơ hội để xây dựng, phát triển kế hoạch kinh doanh của mình.

Ông Mohamed Cisse, Trưởng phòng Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em, UNICEF Việt Nam

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/bo-sung-vi-chat-dinh-duong-tao-co-hoi-tiep-can-cho-moi-nguoi-dan-1960276-b.html