Bộ Tài chính: Chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
Cử tri TP.HCM kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp tình hình kinh tế - xã hội hiện nay nhưng Bộ Tài chính nói hiện 'chưa thể'.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Trước đó, cử tri TP.HCM đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
Trong văn bản trả lời cử tri, Bộ Tài chính cho biết theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định...; số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng. Nhóm hộ có thu nhập cao nhất (20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người.
Bộ Tài chính tính toán mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là hơn 2,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng là khoảng 0,5-1 lần. Đồng thời, số này cũng cao hơn thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, Bộ Tài chính cho hay người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Khoản 4 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định: "Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo".
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI năm 2020 tăng 3,23%; CPI năm 2021 tăng 1,84%; CPI năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%.
"Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020). Do đó, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bộ Tài chính cho biết thuế thu nhập cá nhân điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế này có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại.
Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã tạo nên quỹ ngân sách Nhà nước để đáp ứng nhiều nhu cầu chi đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.