Bộ Tài chính dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2025 đạt 1.966,8 nghìn tỷ đồng

Bộ Tài chính dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024, chi Ngân sách là 2.548,9 nghìn tỷ đồng và bội chi dự kiến khoảng 3,8% GDP.

Bộ Tài chính đánh giá thực hiện cả năm 2024, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, vượt 10,1% so dự toán Quốc hội giao. (Ảnh: Vietnam+)

Bộ Tài chính đánh giá thực hiện cả năm 2024, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, vượt 10,1% so dự toán Quốc hội giao. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 25/10, Bộ Tài chính thông tin công bố “Báo cáo công khai dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 Chính phủ trình Quốc hội.” Báo cáo cho thấy “bức tranh” toàn cảnh về tình hình tài chính quốc gia trong năm 2024 và định hướng cho năm 2025, cùng kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước giai đoạn 2025-2027.

Thu ngân sách Nhà nước dự kiến vượt 10%

Năm 2024, nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước được triển khai trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bất ổn địa chính trị, lạm phát, lãi suất cao, biến đổi khí hậu,... tiếp tục gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong nước, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, Chính phủ đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, dự báo cả năm đạt khoảng 6,8-7%, phấn đấu trên 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI bình quân tăng 3,88%. Thu ngân sách Nhà nước đạt khá với 9 tháng thực hiện 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023. Bộ Tài chính đánh giá thực hiện cả năm thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, vượt 10,1% so dự toán Quốc hội giao.

Bên cạnh đó, chi ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 1.256,3 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Bộ Tài chính khẳng định tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, các khoản chi thường xuyên thực hiện triệt để tiết kiệm, trên cơ sở rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, điều hành chi chặt chẽ trong phạm vi dự toán và khả năng thu ngân sách các cấp. Bộ Tài chính ước cả năm chi ngân sách Nhà nước đạt 2.281,7 nghìn tỷ đồng, tăng 162,3 nghìn tỷ đồng (+7,7%) so dự toán, chủ yếu từ nguồn ước vượt dự toán thu.

Trên cơ sở căn cứ khả năng thu và đánh giá chi ngân sách Nhà nước cả năm, Bộ Tài chính dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước ước thực hiện khoảng 389,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,4%GDP ước thực hiện, giảm khoảng 10 nghìn tỷ đồng so dự toán. Nợ công được quản lý chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép, dự kiến đến cuối năm 2024, nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nợ nước ngoài quốc gia khoảng 32-33% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21-22% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô

Bước sang năm 2025, Bộ Tài Chính dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Mục tiêu ngân sách Nhà nước năm 2025 được xác định là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, đồng thời đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, đặc biệt là đầu tư hạ tầng trọng điểm.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024, chi Ngân sách là 2.548,9 nghìn tỷ đồng, bội chi dự kiến khoảng 3,8% GDP.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính kiến nghị tập trung vào các giải pháp chủ yếu. Một là giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Hai là thực hiện nghiêm pháp luật và tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Ba là tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách Nhà nước gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.

Bốn là chú trọng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.

Năm là tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xây dựng cơ cấu sở hữu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, nòng cốt cho kinh tế nhà nước.

Sáu là đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Bảy là tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia tạo bứt phá phát triển kinh tế-xã hội.

Về kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước giai đoạn 2025-2027, Bộ Tài chính cho biết sẽ được xây dựng trên cơ sở dự báo kinh tế toàn cầu và trong nước sẽ phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Mục tiêu đặt ra là ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đảm bảo nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh. Theo đó, dự kiến tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn này khoảng 5,9 triệu tỷ đồng, tổng chi 7,4 triệu tỷ đồng. Bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 3,5% GDP, nợ công khoảng 37-38% GDP.

Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính kiến nghị các giải pháp trọng tâm, bao gồm điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, cải cách thể chế, thực hiện tốt luật thuế, tăng cường quản lý thu chi ngân sách Nhà nước, kiểm soát nợ công, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, siết chặt kỷ luật tài chính./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-tai-chinh-du-toan-thu-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2025-dat-19668-nghin-ty-dong-post987525.vnp