Bộ Tài chính nói về vụ người trúng đấu giá ăn 'quả đắng': Bạc Liêu có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư
Liên quan đến việc điều chỉnh giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa Trung tâm dịch vụ đô thị Bạc Liêu (TTDV Bạc Liêu) có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa có văn bản xác định, UBND tỉnh Bạc Liêu là cơ quan có trách nhiệm phải giải quyết vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của các nhà đầu tư.
Trước đó, như PLVN đã thông tin, ngày 2/5/2018, UBND tỉnh Bạc Liêu có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của TTDV Bạc Liêu, vốn điều lệ được xác định 35,7 tỷ; cổ phần Nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa 51% vốn điều lệ, cổ phần phát hành lần đầu ra công chúng được duyệt là 1.749.300 cổ phần với mệnh giá 10 ngàn đồng/cổ phần. Ngày 20/12/2018, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đã bán đấu giá số cổ phiếu của TTDV Bạc Liêu ra công chúng.
Theo quy định, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc bán cổ phần, doanh nghiệp (DN) cổ phần phải tổ chức đại hội cổ đông lần đầu để chuyển thành công ty cổ phần và thực hiện đăng ký DN theo quy định, nhưng đến nay đã gần 1 năm DN này vẫn chưa tiến hành đại hội.
Ngoài ra, theo một số nhà đầu tư, tài sản của TTDV Bạc Liêu đã được tính vào giá trị DN trong quá trình xác định phần vốn của Nhà nước tại đơn vị này, nhưng gần đây bỗng dưng bị đánh giá lại là tài sản công và tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành thu hồi, rút tài sản này khỏi giá trị tại đơn vị mà cơ quan này trước đó đã xác định và công bố. Việc làm có dấu hiệu vi phạm pháp luật này không chỉ làm giảm giá trị DN sau cổ phần hóa mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Trong văn bản do Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến ký gửi Báo PLVN, cho biết: Việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần thực hiện theo Quyết định số 22 ngày 22/6/2015 của Thủ tướng. Tại điểm b khoản 1 Điều 22 quy định Thủ tướng phê duyệt danh mục và phương án chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh.
Còn tại điểm I khoản 2 Quyết định nói trên, cũng quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết những vướng mắc, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi theo thẩm quyền. Cũng theo Cục Tài chính DN, ngày 3/8/2016, khi phê duyệt danh mục đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh Bạc Liêu thành công ty cổ phần, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo: “Đồng ý chuyển 9 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh Bạc Liêu thành công ty cổ phần; Ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt phương án cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập này và triển khai công việc liên quan theo quy định”.
Theo các quy định trên, UBND tỉnh Bạc Liêu có trách nhiệm căn cứ danh mục đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần đã được Thủ tướng phê duyệt, tổ chức chỉ đạo, thực hiện các bước công việc có liên quan đến việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo quy định tại Quyết định số 22. “Trường hợp khi thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo các quy định trên, có phát sinh vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền giải quyết, đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định”, văn bản của Cục Tài chính DN khẳng định.
Theo tìm hiểu, lâu nay, việc phải điều chỉnh lại sổ sách theo kết quả định giá lại tạo ra sức ép lớn cho DN sau cổ phần. Để khắc phục bất cập trên, Nghị định 126 của Chính phủ về chuyển DN Nhà nước thành công ty cổ phần có hiệu lực từ 1/1/2018 đã điều chỉnh lại theo hướng hạn chế việc điều chỉnh số liệu sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu đã công bố giá trị DN. Cũng theo Nghị định này, kết quả công bố giá trị DN của cơ quan đại diện chủ sở hữu là một căn cứ quan trọng để xác định giá khởi điểm thực hiện đấu giá bán cổ phần lần đầu của DN cổ phần hóa.
Tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 126 thậm chí còn giới hạn việc điều chỉnh rất rõ ràng: Việc điều chỉnh lại giá trị DN đã công bố chỉ áp dụng với DN cổ phần hóa chưa thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng. Chiếu theo quy định này, việc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa TTDV Bạc Liêu điều chỉnh lại giá trị DN sau khi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đã tiến hành bán đấu giá cổ phần ra công chúng là có dấu hiệu phạm luật.
Về phản ánh của các nhà đầu tư, phóng viên đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND Bạc Liêu chỉ đạo kiểm tra sự việc và cho biết việc TTDV Bạc Liêu chưa tiến hành đại hội cổ đông lần đầu và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa TTDV Bạc Liêu tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo xác định lại giá trị DN sau khi đã tiến hành bán đấu giá cổ phiếu ra công chúng có làm trái quy định pháp luật hay không? Nhưng đến nay PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan này.