Bỏ thói quen nguy hiểm, ngăn cái chết đau lòng
Vụ tai nạn hy hữu, nhưng cũng thêm một lần cảnh báo những người đi xe tay ga: Tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào nếu bất cẩn.
Đã vài ngày trôi qua nhưng vụ tai nạn khiến 3 bà cháu ở Bình Định tử vong khiến nhiều người vẫn chưa thể thôi ám ảnh.
Sáng 26/5, chị Nguyễn Thị Ngọc T. (SN 1997, ở thôn 9, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Bình Định) điều khiển xe máy chở phía sau mẹ chồng là bà Huỳnh Thị R. (SN 1970) và hai con Trần Nguyễn Hoàng Y. (SN 2019), Trần Nguyễn Tuấn K. (SN 2022) đến bệnh viện khám bệnh.
Trên đường đi, chị T. chở cháu Y. đến nhà ông Nguyễn S. (cha ruột của chị T.) để gửi Y. Trong lúc Y. xuống xe đã vặn tay ga làm xe máy lao về phía trước, tông mạnh vào hàng rào xi măng của một nhà dân.
Cú tông quá mạnh khiến bà R., cháu K., cháu Y. tử vong, còn chị T. bị thương nặng phải đi cấp cứu.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tai nạn với xe tay ga, khi trẻ em vô tình chạm vào tay ga khi xe chưa tắt máy. Nhưng hậu quả thì có lẽ đây là vụ thương tâm hơn cả.
Hiện nay, xe máy, nhất là xe tay ga rất phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, với không ít người, việc cho con nhỏ ngồi đằng trước là một thói quen tồn tại đã lâu khi tham gia giao thông bằng xe máy.
Lý do là cha mẹ thấy rằng con còn nhỏ nên không thể tự ngồi đằng sau một mình. Trẻ có thể không chú ý, quên ôm hoặc giật mình khi xe tăng tốc đột ngột.
Trong khi đó, khi trẻ ngồi đằng trước, các bậc cha mẹ cảm thấy an toàn hơn vì mọi hoạt động của trẻ đều trong phạm vi giám sát và theo dõi của mình. Thực tế, họ đã đánh giá thấp sự nguy hiểm của hành vi này.
Vị trí sau tay lái là nơi nguy hiểm nhất, chỉ cần phanh gấp là lực quán tính đẩy trẻ về phía trước, đầu hoặc ngực trẻ có thể đập vào tay lái hoặc trẻ bị văng ra xa.
Việc để trẻ em ngồi đằng trước là hết sức nguy hiểm vì trẻ nhỏ chưa có sự đánh giá chín chắn về hành vi của mình. Các em có xu hướng tò mò và học theo hành vi của người lớn. Trẻ có thể tùy tiện bóp còi hoặc bật đèn xi-nhan, nghịch tay ga và vặn chìa khóa tắt máy xe nếu như cha mẹ bất cẩn chỉ trong tích tắc.
Vì vậy, khi chở các bé còn nhỏ, các bậc phụ huynh nên cho bé ngồi lên xe đàng hoàng rồi mới đề máy nổ để đi. Và ngược lại, khi cho các bé xuống xe, phải tắt máy, hoặc gạt chân chống trước cho xe tắt máy rồi mới để các cháu xuống.
Đặc biệt, lúc dừng xe mà để các bé một mình trên xe phải rút chìa khóa, tốt nhất là không để cho các cháu ngồi một mình như vậy. Các cháu còn nhỏ, hay hiếu động, thích tìm tòi khám phá, chỉ cần sơ ý một chút là không lường trước được hậu quả.
Ngoài ra, khi cho trẻ đi xe máy thì người lớn nên lái xe với tốc độ ổn định vừa phải. Với trẻ nhỏ 1 - 2 tuổi, an toàn nhất là để trẻ ngồi giữa 2 người lớn, tuyệt đối không cho trẻ ngồi trước người điều khiển xe máy.
Với trẻ lớn hơn, cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không để trẻ đứng trên xe với bất cứ lý do nào.
Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, nhưng nó vẫn cứ xảy ra. Trong đó, có những vụ hoàn toàn do lỗi chủ quan, bất cẩn của người điều khiển phương tiện.
Và để tránh những tai nạn thương tâm, cần nhất là việc từ bỏ thói quen nguy hiểm mà nhiều người vẫn đang mắc phải.