Bộ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo: Không dồn ép học sinh học và kiểm tra quá căng thẳng
Tại buổi kiểm tra công tác tổ chức dạy và học trở lại ở Trường Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong điều kiện giãn cách vì dịch bệnh COVID-19 chiều ngày 4/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết có thể để lại một số nội dung dạy học sang đầu năm học mới nếu việc tổ chức dạy học vẫn gặp khó khăn...
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là phòng chống dịch COVID-19 trong nhà trường
Lắng nghe đại diện trường và lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi về các biện pháp để tổ chức dạy học trong điều kiện phải giãn cách, tiếp tục phòng dịch, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với những khó khăn chung của ngành GD&ĐT và đề nghị thầy, cô giáo tiếp tục kiên trì vượt lên khó khăn lúc này, cố gắng vì quyền lợi và sự an toàn của học sinh. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị ngành GD&ĐT các địa phương cần quan tâm đến tâm tư, khó khăn riêng của giáo viên.
Sau khi đến thăm các lớp học và lắng nghe chia sẻ của học sinh, giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, mặc dù nước ta đang kiểm soát dịch bệnh tốt nhưng khi học sinh trở lại trường, ngành GD&ĐT và mỗi nhà trường cần đề cao cảnh giác, đảm bảo an toàn cho học sinh lên trên hết. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tiến hành các biện pháp phòng dịch một cách đối phó. Đồng thời, các trường thực hiện nghiêm túc nhưng linh hoạt các quy định về phòng chống dịch bệnh, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường.
“Sau 1 tuần học sinh trở lại trường, ngành GD&ĐT mỗi địa phương và từng trường cần đánh giá lại công tác phòng ngừa dịch bệnh, phương án giãn cách học sinh, kết hợp giữa 2 hình thức dạy từ xa và dạy trực tiếp... đã phù hợp chưa để điều chỉnh dần theo diễn biến của tình hình thực tế”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu.
Nhân buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định một lần nữa kỳ thi sẽ không có nhiều thay đổi lớn, hướng đến việc giảm áp lực cho học sinh. Ngoài mục đích chính là xét tốt nghiệp, là căn cứ để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, kết quả của kỳ thi vẫn sử dụng vào mục đích để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh. Phần lớn các trường đến nay vẫn chọn phương án sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để tuyển sinh.
Nếu cần thiết, có thể để lại một số nội dung để dạy bổ sung cho học sinh vào đầu năm học sau
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội cần rà soát, đánh giá hiệu quả của việc dạy học trực tuyến trong thời gian qua. Thực tiễn dạy học trực tuyến phải được rút ra bài học và thành quả của việc này có thể tiếp tục duy trì. Đặc biệt là nên xây dựng hệ thống học liệu sử dụng chung.
Các nhà trường chú ý hơn đến việc tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp và chủ động xây dựng kế hoạch dạy học bù trên cơ sở đánh giá kết quả dạy học trực tuyến để có thể kết thúc năm học vào ngày 15/7.
Về nội dung học tập, kiểm tra đánh giá với học sinh sau khi trở lại trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các trường không dồn ép học sinh dẫn tới học quá tải, có thể kết hợp nhiều hình thức kiểm tra đánh giá linh hoạt, không bắt học sinh phải làm dồn dập quá nhiều bài kiểm tra, dẫn tới căng thẳng không cần thiết. Trừ lớp 12, với những khối lớp còn lại, nếu thời gian học quá eo hẹp, nếu cần thiết có thể để lại một số nội dung để dạy bổ sung cho học sinh vào đầu năm học sau. Các trường cần quan tâm tập trung chuẩn bị cho học sinh khối lớp 9 và lớp 12 ôn thi, quan tâm đến hỗ trợ về mặt tâm lý cho học sinh...
Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay để các trường an tâm và có căn cứ ôn tập phù hợp. Bộ sẽ giám sát và quản lý chặt chẽ, nghiêm túc tất cả các khâu của kỳ thi, đảm bảo một kỳ thi công bằng.