Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc và kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT tại Ninh Bình

Sáng 8/7, ngày thứ 2 diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đồng chí Nguyễn Kim Sơn, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và đoàn công tác của Bộ đã về làm việc và kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT tại Ninh Bình.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Cùng tham gia Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo một số Vụ, Cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo một số sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, trường Đại học Hoa Lư...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã báo cáo kết quả giáo dục và đào tạo của Ninh Bình năm học 2021-2022, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Những năm qua, ngành GD-ĐT Ninh Bình đã chủ động, tập trung chỉ đạo toàn ngành tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác GD-ĐT đảm bảo kế hoạch năm học, thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch COVID-19. Quy mô trường, lớp các cấp học phổ thông đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân.

Hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở độ tuổi nhà trẻ đạt từ 36% đến 40% (cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước), ở độ tuổi mẫu giáo đạt từ 97% đến 99% dân số độ tuổi, riêng trẻ 5 tuổi luôn đạt trên 99%; tỉ lệ trẻ vào lớp 1 trên 99%; có từ 85% đến 93% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT và GDTX, học trung cấp nghề. 100% các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2, Ninh Bình là một trong 3 tỉnh của cả nước dẫn đầu về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo toàn tỉnh là 93,7%, trong đó trên chuẩn là 33%. Cơ sở vật chất tiếp tục được củng cố, tăng cường, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ học tập của các nhà trường. Hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 88,6%. Toàn tỉnh có 442/469 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 97%. Chất lượng giáo dục toàn diện được củng cố và nâng cao. Hằng năm, học sinh Ninh Bình tham gia các kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia và khu vực đều đạt được kết quả tốt, nằm trong tốp khá khu vực Đồng bằng Sông Hồng và trên cả nước.

Đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tại Hội đồng thi tỉnh Ninh Bình có 10.575 thí sinh, trong đó có 10.550 thí sinh đăng ký dự thi và 25 thí sinh tự do chỉ đăng ký để xét tuyển đại học. Hội đồng thi đã thành lập 24 điểm thi chính thức và 24 điểm thi dự phòng với 456 phòng thi chính thức và 372 phòng thi dự phòng; điều động 1.910 cán bộ, giáo viên, nhân viên, bảo vệ, y tế, công an làm nhiệm vụ coi thi; điều động 84 cán bộ, chuyên viên, giáo viên tham gia công tác thanh tra thi; chọn cử 255 giáo viên làm nhiệm vụ dự phòng.

Sở GD-ĐT cũng phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp và Đại học Điều dưỡng Nam Định trong công tác kiểm tra coi thi. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh xây dựng phương án để tổ chức kỳ thi đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, đúng nhiệm vụ, kế hoạch của Ban Chỉ đạo kỳ thi của tỉnh.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT và đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Ninh Bình đã trao đổi, thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được và đề xuất các giải pháp trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, tập trung vào các nội dung: Về thực hiện Chương trình GDPT 2018; việc thay sách giáo khoa mới; những đổi mới trong GD-ĐT hiện nay; vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; công tác tuyển dụng, tiếp nhận, thu hút và chi trả chế độ, chính sách cho ngành Giáo dục...

Cùng với đó là các nội dung về mức thu học phí của học sinh các cấp học; việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học; về thực hiện chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và một số vấn đề khác.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác GD-ĐT của tỉnh Ninh Bình những năm qua, khẳng định, ngành Giáo dục nói chung, Giáo dục tỉnh Ninh Bình nói riêng, muốn làm tốt, thực hiện hiệu quả những đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện, phải có sự đồng thuận, quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, các địa phương...

Nhiệm vụ của ngành Giáo dục trong thời gian tới là rất nặng nề, khó khăn, nhất là trong lộ trình đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mong muốn các đồng chí lãnh đạo nhận thấy được những thuận lợi, khó khăn để phối hợp, triển khai và huy động sự vào cuộc của toàn xã hội nhằm từng bước tháo gỡ, khắc phục, cùng ngành Giáo dục thực hiện phù hợp, hiệu quả.

Cùng với đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư cho hoạt động giáo dục. Quan tâm đến đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới, có chế độ, chính sách phù hợp trong đào tạo, tuyển dụng... Đặc biệt, dịch COVID-19 vẫn đang là nguy cơ, thách thức, nên phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó, tận dụng thời gian để triển khai chương trình dạy học trong năm học mới 2022-2023...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thống nhất, chia sẻ với những khó khăn, bất cập tại địa phương, mong muốn tỉnh Ninh Bình tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục. Với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Ninh Bình thuộc trách nhiệm của Trung ương, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu, nghiên cứu, xem xét và có sự điều chỉnh, giải quyết phù hợp trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ GD-ĐT trong thời gian qua, của Đoàn công tác trong buổi làm việc hôm nay, dành cho Ninh Bình những tình cảm tốt đẹp và sự động viên rất ý nghĩa, thiết thực.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Những năm qua, công tác GD-ĐT luôn được tỉnh Ninh Bình và cả xã hội quan tâm. Đây là lĩnh vực hết sức quan trọng, do đó tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực cho giáo dục. Năm 2022, tỉ lệ chi ngân sách cho GD-ĐT chiếm 25% trên tổng chi ngân sách địa phương. Tỉnh cũng đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi trong công tác GD-ĐT, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng và truyền thống hiếu học của quê hương.

Với những kết luận và định hướng, gợi mở của đồng chí Bộ trưởng và Đoàn công tác, tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục, chú ý đến việc quy hoạch phát triển giáo dục, quan tâm đến công tác biên chế, tổ chức bộ máy... Đồng thời, tỉnh tiếp tục chỉ đạo để có thêm các nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục. Đề ra chiến lược phát triển đồng bộ, tạo bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh ngày càng phát triển hơn nữa.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác thi tại điểm thi Trường THPT Hoa Lư A (huyện Hoa Lư). Điểm thi này có 25 phòng thi với 588 thí sinh dự thi, bao gồm học sinh Trường THPT Hoa Lư A và học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoa Lư. Là điểm thi lớn thứ 3 của tỉnh, điểm thi huy động gần 110 cán bộ làm công tác phục vụ thi. Sau ngày thi đầu tiên, điểm thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu thực hiện.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đoàn kiểm tra công tác coi thi tại điểm thi Trường THPT Hoa Lư A.

Kiểm tra tại điểm thi Trường THPT Hoa Lư A, Bộ trưởng đã động viên cán bộ làm nhiệm vụ thi nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ theo đúng quy chế và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả. Đồng thời, tích cực động viên các thí sinh tại phòng thi, mong các em giữ gìn sức khỏe, bình tĩnh, tự tin, an tâm làm bài để đạt kết quả cao nhất.

Đánh giá cao sự chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi của tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý, cần tiếp tục triển khai nghiêm túc công tác coi thi, đảm bảo đúng quy chế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong kỳ thi và chấm thi. Đặc biệt, cần thường xuyên túc trực để nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Ngay sau khi kết thúc các bài thi, cần chuẩn bị đủ về nhân lực và trang thiết bị để chấm thi, đảm bảo tiến độ, đúng quy chế, tuyệt đối không để xảy ra sai sót...

Hạnh Chi - Minh Quang - Anh Tú

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-lam-viec-va-kiem-tra-cong/d2022070813465198.htm