Bộ trưởng Bộ NN&PTNN: Chưa nên hào hứng khi nông sản Việt Nam lên kệ nước ngoài giá cao
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan cho biết, một sản phẩm nông sản để lên kệ hàng ở siêu thị nước ngoài thì chi phí logistic, chi phí thị trường chiếm tỷ trọng rất cao. Bởi vậy, đừng quá háo hức câu chuyện giá cao, phải làm sao giá cao đó có thể phân bổ lại cho người nông dân.
Chiều nay (7/6), trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Vân Thi, đoàn Bắc Giang cho rằng, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam tương đối cao, đạt trên 48 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, chủ yếu là xuất khẩu thô. Có gần 80% là xuất khẩu tiểu ngạch. Trong số đó có 70% là lệ thuộc vào một thị trường lớn, rủi ro. Đây là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ có giải pháp, chính sách nào để tăng tỉ lệ nông sản đã qua chế biến, tăng tỉ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Minh Huệ, đoàn Sóc Trăng cho biết, hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Có thông tin nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt tại các kệ hàng trong các hệ thống siêu thị nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán tại các chợ truyền thống và các hệ thống siêu thị trong nước vẫn ở mức thấp. Vì thế thu nhập của người nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được cải thiện.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp để giải quyết thực trạng này, góp phần cải thiện thu nhập của người nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua có thông tin nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt trong các gian hàng, siêu thị nước ngoài với giá cao lên đến hàng trăm nghìn, trong khi giá bán tại các chợ truyền thống và siêu thị trong nước còn ở mức thấp - vài chục nghìn đồng.
Lấy ví dụ từ câu chuyện vải thiều qua Nhật Bản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, giá vải xuất sang Nhật lên đến mấy trăm nghìn một kg - giá rất cao - nhưng thương lái lại mua nông sản của người nông dân với giá thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do để sản phẩm nông sản lên kệ hàng ở siêu thị nước ngoài thì chi phí logistics, chi phí thị trường chiếm tỉ trọng rất cao.
“Chúng ta đừng quá háo hức câu chuyện giá cao. Quan trọng giá cao đó có phân bổ lại cho người nông dân không? Đây là vấn đề mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho các đơn vị, địa phương để cân đối lại vấn đề này. Có nhiều hiệp hội, ngành hàng nói với tôi rằng, đất nước mình giàu rồi, tầng lớp trung lưu cao rồi, sẵn sàng chấp nhận mua nông sản giá cao, thậm chí còn cao hơn những doanh nghiệp mua nông sản để xuất khẩu. Vấn đề cần tổ chức lại thị trường trong nước. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài nói với tôi rằng, muốn xây dựng thương hiệu nông sản Việt ở nước ngoài thì hãy làm tốt xây dựng thương hiệu nông sản ở trong nước. Điều này có nghĩa niềm tin của người tiêu dùng trong nước là bệ đỡ của ngành hàng nông sản. Nếu người Việt Nam không dùng hàng Việt Nam thì làm sao sống được ở thị trường nước ngoài. Đây là câu chuyện chúng ta cần phải bàn rất kỹ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Cùng trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, nông sản nước ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa bán ra thị trường thế giới. Đồng thời khẳng định Việt Nam hiện là thành viên của 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ nên thị trường rất rộng mở. Hơn nữa, thời gian qua, sản phẩm nông sản Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ những sản phẩm đi được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường.
Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp để chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang hàng hóa.
Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ sẽ tiếp tục làm tốt thông tin thị trường, khai thác lợi thế 17 FTA đã ký tăng cường đàm phán, thuận lợi hóa thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí, đẩy mạnh thực hiện đề án xuất khẩu nông sản chính ngạch và đẩy mạnh thương mại điện tử. Cùng với đó, đề nghị các địa phương làm tốt quy hoạch vùng trồng vùng nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến cáo có sự liên kết trong tổ chức sản xuất. Bộ trưởng nhấn mạnh trong quá trình này, vai trò của cấp ủy chính quyền địa phương là rất quan trọng và đây là điều thực tiễn đã chứng minh./.