Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: 'Anh em xin nghỉ việc nhiều, tôi phải gặp động viên suốt'

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ, do áp lực công việc, một số anh em xin nghỉ việc nhiều, kể cả vụ phó cũng xin nghỉ việc... và ông phải gặp, động viên liên tục.

Không có "bàn tay" của Nhà nước giống như “vỗ tay bằng một bàn tay"

Giải trình thêm một số nội dung liên quan đến Luật Giá (sửa đổi), tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội chúng tôi sẽ hoàn thiện lại vấn đề đối với sửa đổi về Luật Giá, như là quy định đối với danh mục do Nhà nước định giá thì do Quốc hội quyết định và khi có sự sửa đổi, thay thế, bổ sung thì do Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

“Ban đầu chúng tôi cũng theo hướng kế thừa của luật năm 2012, tuy nhiên khi đưa ra Chính phủ thì nhiều ý kiến của thành viên Chính phủ muốn để linh hoạt hơn cho nên đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ bổ sung, tuy nhiên qua cuộc họp này chúng tôi sẽ báo cáo lại với Chính phủ và sẽ tiếp thu nội dung này- Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.

Giải thích việc tại sao khi xây dựng Luật Giá lại đưa một số mặt hàng định giá để Nhà nước quản lý, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu, từ lý thuyết “bàn tay vô hình” của Adam Smith đã nói về thị trường tự do, sau này khi thị trường tự do phát triển một cách mạnh mẽ và cần phải có “dây cương” để giữ nó lại thì lúc đó John Maynard Keynes đưa ra lý thuyết “bàn tay hữu hình”, có nghĩa là kinh tế thị trường mà không có bàn tay của Nhà nước thì giống như “vỗ tay bằng một bàn tay”.

Những mặt hàng mà chúng ta đưa vào định giá là để quản lý, bảo vệ lợi ích chung của nền kinh tế, bảo vệ lợi ích của nhân dân, của người tiêu dùng và đảm bảo cho việc phát triển một cách hài hòa hợp lý- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành tài chính cũng chia sẻ, về việc tại sao sách giáo khoa lại đưa vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá, ở diễn đàn Quốc hội các đồng chí cũng đã biết, sách giáo khoa là mỗi nơi một giá mà có ảnh hưởng đến đại đa số người nghèo cho nên cần phải có sự hỗ trợ hay điều chỉnh của nhà nước thì đợt này chúng ta đưa vào trong định giá.

Về Quỹ bình ổn giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, các loại quỹ bình ổn khác thì chúng tôi bỏ, nhưng riêng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, qua đánh giá tác động chúng tôi thấy rằng trong thời gian vừa qua có lợi ích và tác dụng lớn trong quá trình chúng ta thực hiện vấn đề bình ổn giá xăng dầu vừa qua, đặc biệt là sự biến động mạnh nhất của năm 2022, từ đó giá xăng dầu của chúng ta đã giảm.

Tuy nhiên, đây chỉ là một công cụ, chúng ta đang còn công cụ thuế, công cụ phí, các công cụ về điều tiết, đa dạng hóa nguồn cung hay là giảm giá thành các chi phí khác. “Chúng tôi cho rằng công cụ này rất hữu ích, nếu chúng ta cứ dựa vào thuế và phí, nếu thuế và phí giảm hết thì không còn bộ máy nhà nước nữa, ai trả lương, ai đảm bảo an ninh, quốc phòng, tiền đâu để xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ an ninh quốc gia - Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Cho nên, chúng tôi cũng muốn nói khi chúng ta giảm thuế và phí xuống trong một biện pháp ngắn hạn thì được, nhưng trong dài hạn thì rất khó khăn, đặc biệt là khi đã giảm rồi, sau này lên cũng là một vấn đề rất khó.

Tất nhiên là nhiều biện pháp đồng bộ, tuy nhiên chúng tôi muốn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu như vậy, thực ra có 300 một lít nhưng tích tiểu thành đại và cùng với các biện pháp khác thì nó sẽ hỗ trợ cho vấn đề điều chỉnh giá xăng dầu. Bởi vì xăng, dầu và năng lượng là 2 lĩnh vực an ninh kinh tế quan trọng mà chúng ta phải rất đặc biệt quan tâm- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ.

"Khi làm Luật Giá (sửa đổi), chúng tôi đang phải hoàn thành 13 bộ luật"

Về vấn đề thẩm định viên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thẩm định giá là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cần phải có chuyên môn sâu, cho nên nhà nước phải quản lý. Chúng ta tách biệt vấn đề đào tạo với vấn đề cấp phép và quản lý riêng bởi vì đào tạo thì có các trường đại học, các tổ chức nghề nghiệp thì chúng tôi vẫn giao đào tạo.

Tuy nhiên, sau khi đào tạo phải đạt đến một trình độ chuẩn và còn liên quan đến cả vấn đề chấp hành pháp luật, kể cả đạo đức nghề nghiệp, trình độ để đảm bảo cấp thẻ thẩm định viên để thực hiện thẩm định viên chuyên nghiệp. Ở đây chúng tôi cũng đưa ra thẩm định viên đối với các hàng hóa, dịch vụ, thẩm định viên đối với các lĩnh vực tài chính khác... để cụ thể và nâng cao tính chuyên môn hóa lên...

Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ, khi làm Luật Giá (sửa đổi), chúng tôi đang phải hoàn thành 13 bộ luật. Trước đây khi làm Tổng Kiểm toán nhà nước, 5 năm tôi chỉ sửa một bộ luật đã thấy rất vất nhưng sang đây là 13 bộ luật, chưa kể là thông tư, nghị định rất vất vả, liên tục phải đọc, phải tổ chức hội nghị, nghiên cứu, tiếp thu, trong khi bộ máy hiện nay rất khó khăn.

"Một số anh em xin nghỉ việc nhiều, kể cả vụ phó cũng xin nghỉ việc, trưởng phòng cũng xin nghỉ việc, tôi phải gặp và động viên suốt" - Bộ trưởng nói, đồng thời nhắc lại câu chuyện, chiều hôm qua, ông mới gặp một trưởng phòng của Cục Quản lý giá để xin giữ lại.

Tôi phải đưa ra điều kiện, em đã làm ở Bộ Tài chính 20 năm rồi, có 2 bằng đại học, 1 bằng thạc sĩ, giỏi tiếng Anh bây giờ em bỏ ra em làm gì? Cô ấy bảo là em không làm gì em chỉ nghỉ thôi...

Tôi hỏi cô là nếu cô ở tôi có thể chuyển cô sang bộ phận khác ít rủi ro hơn, nhàn hơn thì cô bảo là nếu anh nói thế thì hóa ra em phản bội anh em, bây giờ Cục khó khăn em lại chuyển đi cục khác, em chỉ xin về thôi"

"Xin báo cáo các đồng chí là rất khó khăn, cho nên trong giai đoạn này chúng tôi hết sức nỗ lực để làm thế nào hoàn thành được nhiệm vụ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao, của các đồng chí giao" - Bộ trưởng nêu.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-anh-em-xin-nghi-viec-nhieu-toi-phai-gap-dong-vien-suot-220522.html