Bộ trưởng kể chuyện 4 người chờ tàu trên sân ga
Người ta kết nối vạn vật, kết nối giữa người với vật được rồi, chỉ có câu chuyện kết nối nông sản ở cánh đồng đến trung tâm phân phối mà sao quá khó khăn?
Ngày 18-6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương trao đổi về chủ đề chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp.
Chuyến tàu chuyển đổi số
Khi phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Hoan kể câu chuyện bốn anh chàng ngồi chờ tàu ở sân ga. Trong thời gian chờ tàu đem bia rượu ra uống chia tay. Rồi khi tàu đến, ba anh kịp lên tàu, còn một anh bị rớt ở lại.
Anh bị ở lại rất buồn, như sắp khóc. Bác trưởng ga nói tình bạn của các cháu đẹp quá, nhưng anh này trả lời: "Dạ không phải bác ơi, ba người bạn đó đến tiễn cháu, cháu mới là người đi lên tàu".
Bộ trưởng Hoan nói rằng, chắc hẳn trong cuộc đời chúng ta đã lỡ rất nhiều chuyến tàu. Nói tới cuộc cách mạng 4.0, ai cũng bàn về nó, nhưng rồi đây đó cũng nhạt nhòa dần. Và như vậy chúng ta lại lỡ một chuyến tàu.
"Hôm nay chúng ta lại ở sân ga chuẩn bị lên tàu khởi hành, đó là chuyến tàu chuyển đổi số. Tôi mong rằng Bộ NNPTNT không lỡ một chuyến tàu nữa" - Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng tiếp tục nói nếu một nền nông nghiệp bị mù mờ về thông tin thì sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu. Người ta kết nối vạn vật, kết nối giữa người với vật được rồi, chỉ có câu chuyện kết nối nông sản ở cánh đồng đến trung tâm phân phối mà sao quá khó khăn?
"Sau hội nghị này, Bộ NN&PTNT sẽ chính thức bắt đầu hành trình chuyển đổi số, dứt khoát không để lỡ chuyến tàu. Nếu chúng ta để lỡ, tôi nghĩ rằng chúng ta có tội" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Chuyển đổi số giúp giải quyết việc lớn dễ hơn việc nhỏ
Vậy động lực nào cho hàng triệu hộ nông dân có động lực chuyển đổi số? Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để giúp bà con nông dân, các hợp tác xã chuyển đổi số, Bộ đã phát triển được đầy đủ một bộ công cụ, một hệ sinh thái, và đang nằm trong giai đoạn miễn phí.
"Ngành nông nghiệp cứ đổ dữ liệu vào hồ dữ liệu càng nhiều càng tốt, cứ đổ lộn xộn, không cần phân tích, rồi Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đứng ra đảm nhận việc phân tích, làm cho thông tin không mù mờ nữa, thông tin nào dành cho bà con, thông tin nào dành cho Bộ, thông tin nào dành cho địa phương..." - Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hùng cho biết, chuyển đổi số giải quyết một việc khó dễ hơn việc dễ, giải quyết việc lớn dễ hơn việc nhỏ, có thể giúp chúng ta thay đổi vị thế và thứ hạng, những ai đi đầu trong chuyển đổi số sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Nói về khó khăn của người nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khó khăn của người nông dân là không bán được sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng, vì thế mà giá nông sản đã thấp nhưng người nông dân thu về còn thấp hơn.
Khó khăn của người nông dân là bán quả chuối trong vườn nhà mình không khác gì quả chuối ở bất kỳ đâu, tức là quả chuối không có xuất xứ, thương hiệu nên giá thấp. Khó khăn của người nông dân là đã nghèo nhưng mua con giống, phân bón cũng không biết có đúng giá không, đúng chất lượng không?
Từ đó, Bộ trưởng cho rằng một sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân có thể giải quyết được các khó khăn trên. Sàn thương mại điện tử này kết nối với mọi người nông dân và mọi người tiêu dùng.
Bà con đưa được sản phẩm của mình lên sàn, sản phẩm của mỗi mảnh đất phải có thương hiệu riêng, có xuất xứ và không bị làm giả. Sàn này kết nối bà con nông dân với các nhà cung cấp con giống, phân bón với chất lượng sản phẩm đảm bảo không bị làm giả, giá cả phải chăng, xuất xứ rõ ràng.
"Giá trị của quả chuối còn có giá trị của nắng, của gió, đất nơi ấy, giá trị chăm sóc, cách trồng cây của từng gia đình. Quả chuối không phải là quả chuối mà còn có giá trị riêng... Người tiêu dùng không chỉ ăn quả chuối mà còn ăn cái nắng, cái gió, cái chất đất nơi ấy và cả tình cảm của người nông dân ấy, chính vì vậy mà giá không còn giống nhau nữa" - Bộ trưởng Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, các công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng hoàn thiện một sàn thương mại điện tử như vậy cho bà con nông dân Việt Nam. Các doanh nghiệp bưu chính nước nhà cũng đã có đủ hạ tầng, công nghệ và khả năng để đưa sản phẩm nông sản đến từng hộ gia đình trên toàn quốc. Dù gia đình nào ở nơi xa nhất cũng không quá hai ngày.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/bo-truong-ke-chuyen-4-nguoi-cho-tau-tren-san-ga-993883.html