Bộ trưởng Lao động ASEAN ra tuyên bố chung về ứng phó dịch COVID-19

Bộ trưởng Lao động các nước ASEAN cùng thống nhất hợp tác trong việc cung cấp hỗ trợ kịp thời về sinh kế và sức khỏe cho tất cả người lao động, đặc biệt với những người thu nhập thấp và lao động làm trong nền kinh tế phi chính thức, các ngành có rủi ro cao.

Bộ trưởng Lao động ASEAN cùng thảo luận về ứng phó với tác động của dịch COVID-19

Bộ trưởng Lao động ASEAN cùng thảo luận về ứng phó với tác động của dịch COVID-19

Đây là tuyên bố được đưa ra sau Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động ASEAN đặc biệt về ứng phó với tác động của dịch COVID-19 đối với lao động và việc làm chiều 14/5, được tổ chức với sự tham dự của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và Tổ chức Lao động quốc tế.

Hội nghị là sáng kiến của Indonesia với vai trò là Phó Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng lao động ASEAN, trong bối cảnh dịch COVID-19 không chỉ tác động đến các ngành kinh tế mà đặt ra những thách thức đối với việc làm và sinh kế của người dân ASEAN.

Sau hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua "Tuyên bố chung của các bộ trưởng lao động ASEAN về ứng phó với các tác động của dịch virus Corona 2019 (COVID-19) đối với lao động và việc làm".

Theo đó, các Bộ trưởng lao động ASEAN sẽ hợp tác trong các công việc: Cung cấp hỗ trợ kịp thời về sinh kế và sức khỏe cho tất cả người lao động, đặc biệt với những người thu nhập thấp và lao động làm trong nền kinh tế phi chính thức, các ngành có rủi ro cao; đảm bảo những người lao động bị sa thải hoặc bị thôi việc đều được bồi thường bởi người sử dụng lao động, hoặc được nhận trợ cấp xã hội; tăng cường hơn nữa hiệu quả của các chính sách thị trường lao động tích cực ở cấp quốc gia và khu vực, các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động và các hệ thống an sinh xã hội; cung cấp hỗ trợ phù hợp cho người lao động di cư trong khu vực ASEAN; chia sẻ các thực tiễn và bài học tốt nhất giữa các quốc gia thành viên về các biện pháp giúp đỡ người lao động, người sử dụng lao động có nguy cơ, nâng cao khả năng phục hồi của họ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung thông tin tình hình đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát dịch cũng như những biện pháp Chính phủ Việt Nam đang thực hiện để ứng phó kịp thời với những khó khăn do dịch COVD-19 gây ra.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ thông tin về các chính sách, chương trình và nhóm hỗ trợ xã hội của Việt Nam tới các Bộ trưởng Lao động ASEAN

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ thông tin về các chính sách, chương trình và nhóm hỗ trợ xã hội của Việt Nam tới các Bộ trưởng Lao động ASEAN

Theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện có hơn 55 triệu lao động có việc làm. Do tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất. Điều này tác động không nhỏ tới vấn đề việc làm của người lao động.

Tính đến ngày 30/4/2020, số lao động bị mất việc làm khoảng 670.000 người; 67% doanh nghiệp phải cho nhân viên tạm nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, hoặc bố trí việc làm luân phiên, nhất là những ngành nghề như: công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Lao động trong khu vực phi chính thức cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và ăn uống. Trên 80% lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt lao động bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ, xây dựng,… phải tạm dừng hoạt động kinh doanh để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.

"Chính phủ Việt Nam đã thông qua gói hỗ trợ hơn 62.000 tỉ đồng (khoảng 2,7 tỉ USD) cho khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng, trọng tâm là hỗ trợ lao động bị mất, giảm việc làm, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ngưng trệ sản xuất bởi dịch COVID-19. Ngoài ra, Chính phủ dự kiến sẽ cho phép sử dụng 3.000 - 5.000 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm nâng cao tay nghề và thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông báo với các bộ trưởng ASEAN.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến nền kinh tế nói chung và lao động, việc làm nói riêng có thể khác nhau giữa các quốc gia ASEAN song việc tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tại thời điểm hiện nay và trong tương lai sẽ giúp các quốc gia cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này nhằm đảm bảo sự phát triển và thịnh vượng chung của ASEAN.

Bộ trưởng cũng bày tỏ hoàn toàn nhất trí với các Bộ trưởng về việc cần xây dựng các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm có tính đến những phản ứng khẩn cấp về an sinh xã hội, quản lý lao động và bảo vệ quyền của người lao động di cư trong bối cảnh khủng hoảng như dịch bệnh, thiên tai…

Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã cùng chia sẻ thông tin về các chính sách, chương trình và nhóm hỗ trợ xã hội của từng quốc gia nhằm ứng phó với tác động của dịch COVID-19, dành cho người lao động, đặc biệt các vấn đề liên quan đến tiền lương, thu nhập, việc làm, an toàn và sức khỏe.

Đồng thời, các bộ trưởng cũng chia sẻ khuyến nghị đối với các phản ứng chung của ASEAN về tác động của COVID-19 trong lĩnh vực lao động và việc làm.

Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/viet-nam-asean/bo-truong-lao-dong-asean-ra-tuyen-bo-chung-ve-ung-pho-dich-covid19/395665.vgp