Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sửa đổi Luật Dầu khí giúp nhanh chóng tháo gỡ một số việc khó

Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) chiều ngày 14/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần có quy định rất chặt chẽ, đầy đủ, minh bạch địa vị pháp lý, vai trò của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong dự án luật này.

Chia sẻ các vấn đề liên quan đến chính sách dầu khí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết 41 ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, sau này Nghị quyết 55-NQ/TW năm 2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Theo đó, có rất nhiều chính sách liên quan hoạt động dầu khí, trong đó có vấn đề thượng nguồn, hạ nguồn. Riêng nội dung liên quan tới điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí rất nhiều.

Ví dụ như trong quy định của Nghị quyết 41 và Nghị quyết 55 có nêu: Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. “Tuy nhiên, trong Điều 5 của dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi chưa rõ”- Chủ tịch Quốc hội chỉ ra.

Chủ tịch Quốc hội nêu, Luật cần thể hiện rõ hơn vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

“Trước đây, PVN vừa là doanh nghiệp vừa là quản lý nhà nước lĩnh vực dầu khí. Bây giờ vai quản lý nhà nước tới đâu? Vì chúng ta còn Bộ Công Thương, còn Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì vai của PVN thế nào? Phần quản lý chức năng Nhà nước chưa rõ, địa vị pháp lý ở Điều 8 đến đâu? Đề nghị rà soát lại xem trên cơ sở đánh giá đầy đủ mô hình hoạt động dầu khí, địa vị pháp lý của PVN”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, về phân loại phần tham gia của PVN là dự án độc lập hay một phần trong dự án chung của hợp đồng dầu khí. Đây là vấn đề hiện nay chưa có quy định. Khi PVN tham gia với vai trò nhà thầu thì được phê duyệt theo quy định tại Luật Dầu khí và chưa có quy định rõ ràng bước nào tương đương với chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Hiện nay chưa có hướng dẫn chi tiết và chưa có cách hiểu thống nhất khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN đầu tư dự án thăm dò, khai thác dầu khí. Chưa có quy định rõ nội dung quản lý khi PVN tham gia từng giai đoạn theo hợp đồng dầu khí như ký hợp đồng, chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng, thực hiện quyền ưu tiên của các nước chủ nhà, thực hiện hoạt động tìm kiếm, thăm dò…

Góp ý thêm về dự án Luật, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chia sẻ, Luật Dầu khí này ra đời rất sớm, từ năm 1993 và đã trải qua một số lần sửa đổi như 2008, chưa kể đến là Luật Quy hoạch 2018, tức là được Đảng, Chính phủ, Quốc hội hết sức quan tâm, luôn luôn theo dõi và có những điều chỉnh khi cần thiết.

"Tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Công Thương, các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đồng chí làm rất tích cực. Về tinh thần chung, chúng tôi thấy rất ủng hộ dự thảo Luật và thấy được về hồ sơ, nội dung cơ bản đã đủ điều kiện để có thể báo cáo Thường vụ trình Quốc hội trong kỳ họp tới" - ông Lê Quang Huy nói.

Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá rất cao dự thảo đã bổ sung chính sách quy định về điều tra cơ bản về dầu khí. Đây là việc cần phải đi trước. Tuy nhiên, thông tin về dữ liệu trong quá trình điều tra cơ bản cần phải được thẩm định, lưu trữ, quản lý thống nhất, chia sẻ phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh.

Bên cạnh đó, việc thăm dò dầu khí xu hướng càng ngày càng trở nên khó hơn, không thể nào gần bờ được nữa, càng ngày càng xa, dung lượng, trữ lượng ít, mà đi vào những vùng phải nói rất khó khăn. Do đó, ứng dụng khoa học công nghệ phải đẩy lên rất mạnh.

Trong thời gian qua, PVN đã rất tích cực trong các hoạt động nghiên cứu, sử dụng nhiều nguồn lực để có những đề tài, dự án rất tốt. Trong Luật Dầu khí từ năm 1993 cũng đã quy định rất rõ việc ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến nhất, ngoài ra một số chính sách khác cũng có nhưng chưa thực sự rõ ràng.

Cho nên trong thời gian tới, các công nghệ khoan, công nghệ thu hồi, xử lý dầu thô, các loại năng lượng dầu khí mà gọi là phi truyền thống, ví dụ như đá phiến.... cần ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn. "Tôi đọc toàn bộ phần Luật Dầu khí, tôi thấy đây là một nội dung rất cần thiết đưa vào, nhưng hàm lượng đưa vào trong này và cách thức đưa tôi thấy chưa rõ lắm" - ông Lê Quang Huy nêu.

Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu, về cơ bản, tôi đánh giá rất cao hồ sơ của Chính phủ trình và về mặt tài liệu thì hồ sơ đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cũng trình đúng thời hạn để đảm bảo cơ quan nghiên cứu, thẩm tra để có thể kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

"Chúng tôi cũng thống nhất cao nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí. Ý kiến các đồng chí vừa nói Luật Dầu khí được ban hành lần đầu năm 1993, đến nay qua ba lần sửa đổi vào năm 2000-2008 và 2018. Trong đó năm 2018 chủ yếu sửa đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch, cho nên nhiều quy định so với yêu cầu hiện hành trong tình hình, bối cảnh mới" - ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương cảm ơn, tiếp thu sâu sắc những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận. Theo Bộ trưởng, Luật Dầu khí đã qua 2-3 lần sửa. Lần này mặc dù cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã rất cầu thị cùng với các cơ quan liên quan chuẩn bị, nhưng mới chỉ gỡ thêm được một số vướng mắc, khó khăn, còn những vấn đề rất căn bản như gợi ý của Chủ tịch Quốc hội hoặc ý kiến phát biểu của một số đại biểu thì chưa giải quyết được một cách căn bản. Nhưng cũng có một số vấn đề ban soạn thảo đã chỉnh sửa song chưa có điều kiện cập nhật vào phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) của Chính phủ, hồ sơ dự án luật đã đầy đủ theo quy định, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã tập trung bao quát các vấn đề của dự án luật và cần phải khẩn trương tiếp tục nghiên cứu để đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra và ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về một số vấn đề. Cụ thể, tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 41 ngày 23/7/2015, Nghị quyết số 55, Nghị quyết Trung ương ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành dầu khí.

Trong các nghị quyết đã nêu yêu cầu quy định rõ về hoạt động dầu khí, tăng cường phân công, phân cấp quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, đảm bảo hiệu lực, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực dầu khí.

Xây dựng cơ chế chính sách tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển ngành dầu khí. Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển dầu khí trong nước tại các vùng sâu, vùng xa bờ, các vùng tiềm năng mà như Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói là tạo điều kiện để khai thác các dạng năng lượng mới trên lĩnh vực dầu khí.

Rà soát kỹ các quy định về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan đến pháp luật nước ngoài, các thông lệ, tập quán công nghiệp dầu khí quốc tế để đảm bảo rõ ràng, cụ thể, khả thi vào bao quát được thực tiễn phát sinh, tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, cân nhắc bỏ quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật.

Rà soát các quy định về hợp đồng dầu khí để đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, quy định phù hợp, khả thi, sát với thực tế, gắn trách nhiệm trong việc phê duyệt, ký kết hợp đồng dầu khí.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Thế giới đang đứt gãy rất nhiều nguồn cung, Cho nên việc sửa đổi luật lúc này giúp chúng ta khẩn trương tháo gỡ được một số việc khó để nâng được năng lực khai thác về dầu và khí.

Các pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực dầu khí thì đồng thời phải tuân thủ Luật Dầu khí và tuân thủ rất nhiều luật khác có liên quan như các đại biểu đã nêu, thậm chí phải tuân thủ luật pháp quốc tế, thậm chí các thông lệ quốc tế .

“Việc sửa đổi luật lần này tháo gỡ một số khó khăn và cố gắng làm sao không mâu thuẫn với những dự án, những hợp đồng hay là những pháp nhân đang hoạt động” .

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-sua-doi-luat-dau-khi-giup-nhanh-chong-thao-go-mot-so-viec-kho-175205.html