Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Mỗi học sinh 'không đợi lớn' mới tìm hiểu và thực hiện pháp luật
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mỗi học sinh 'không đợi lớn' mới tìm hiểu và thực hiện pháp luật. Không chỉ có nhận thức, mà phải có hành động. Hiểu và ý thức về pháp luật là hết sức quan trọng, nhưng không chỉ đọc, tìm hiểu mà không làm.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã tới dự và phát biểu tại Lễ hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” năm 2024 tại Trường THCS Thanh Xuân (Hà Nội) ngày 31/10.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục phát triển con người toàn diện, nền giáo dục phát triển con người với tư cách là một công dân của xã hội.
Với tư cách là một công dân trong xã hội, mỗi người không chỉ có trách nhiệm phát triển bản thân mình mà còn có trách nhiệm góp phần vào sự phát triển của xã hội, biết chung sống với xã hội.
Một xã hội không tốt đẹp thì ở phương diện cá nhân, mỗi con người khó có thể hạnh phúc.
Trong việc phát triển con người toàn diện, theo Bộ trưởng, giáo dục đặc biệt chú ý đến phát triển đạo đức và nhân cách.
Để phát triển đạo đức và nhân cách, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có rất nhiều môn học, nhiều nội dung xác định rất rõ những giá trị học sinh cần phải đạt được trong quá trình học tập. Trong đó yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trách nhiệm,… đều là những giá trị cốt lõi, quan trọng.
“Tuy nhiên, tối thiểu của đạo đức, căn cứ của đạo đức, bắt đầu của đạo đức lại từ việc tuân thủ pháp luật, làm theo pháp luật và ý thức pháp luật”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho rằng, trong pháp luật đã có những cái tối thiểu của đạo đức.
Chia sẻ với các em học sinh và các thầy cô giáo nhân ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (9/11), Bộ trưởng đề cập tới nhiều chữ “không” trong việc dạy, học và thực thi pháp luật trong và ngoài nhà trường.
Đó là, học tập và làm theo pháp luật “không phải là việc một ngày”. Ngày 9/11 là ngày để cổ vũ, tập trung, cùng lưu ý về ý thức và thực thi pháp luật. Nhưng dạy về pháp luật, rèn về pháp luật, thực thi pháp luật phải là hoạt động được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Việc học tập, tuân thủ và làm theo pháp luật “không phải việc của một người”. Bởi theo Bộ trưởng, chúng ta sống trong cộng đồng, trong xã hội. Pháp luật là cho nhiều người trong xã hội nên chúng ta cần phải chung tay cùng nhau thực hiện pháp luật.
Mỗi học sinh “không đợi lớn” mới tìm hiểu và thực hiện pháp luật. “Không chỉ có nhận thức, mà phải có hành động”. Hiểu và ý thức về pháp luật là hết sức quan trọng, nhưng không chỉ đọc, tìm hiểu mà không làm.
“Không chỉ học tập về pháp luật trong các nội dung chính khóa”. Bên cạnh hoạt động học tập chính khóa thì ở nhà hay ở bên ngoài nhà và nhà trường, chỗ nào cũng cần tuân thủ và ý thức pháp luật.
“Không phải đợi người khác nhắc mới học tập và thực hiện pháp luật”. Cần một sự tự giác trong tìm hiểu và thực hiện pháp luật.
“Không chỉ làm theo pháp luật đối với những việc lớn”. Không chỉ tuân thủ theo các luật, các bộ luật mà đối với học sinh việc thực hiện pháp luật cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Bộ trưởng ví dụ, học sinh cần tuân thủ quy định, quy tắc, nguyên tắc, quy chế của nhà trường. Tuân thủ các quy định cụ thể trong cộng đồng cũng là khởi đầu của việc tuân thủ pháp luật. Từ những hành vi cụ thể, qua đó mới dần hình thành nên ý thức thực hiện pháp luật.
Và cũng theo Bộ trưởng, tuân thủ pháp luật “không chỉ là việc của các em học sinh”. Thầy cô, cha mẹ phải là những tấm gương, người gương mẫu trong thực hiện pháp luật, tuân thủ pháp luật.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân bày tỏ, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THCS Thanh Xuân luôn chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật.
Tăng cường truyền thụ những kiến thức cơ bản về pháp luật, xây dựng văn hóa pháp luật, tạo nền tảng cho học sinh khi ra trường trở thành những công dân tốt.
Đồng thời, luôn trau dồi đạo đức, phẩm chất của người giáo viên; học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”…
Em Nguyễn Phương Tuệ Anh, học sinh lớp 8A5 Trường THCS Thanh Xuân đại diện các học sinh của quận Thanh Xuân thể hiện quyết tâm thực hiện tốt các quy định của pháp luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Bản thân em cũng như các bạn học sinh Trường THCS Thanh Xuân đã nhận thức được ý nghĩa hết sức to lớn của Ngày Pháp luật. Đây là cơ hội để chúng em có được những kiến thức về pháp luật, hiểu được vai trò của luật pháp trong đời sống; giúp chúng em nâng cao hơn ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, biết cách phòng tránh, không để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật”, học sinh Nguyễn Phương Tuệ Anh chia sẻ.