Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Ngành giáo dục luôn đau đáu việc xóa trường tạm cho học sinh

Thực tế hiện nay cho thấy, những trường học tạm lại nhiều nhất ở bậc học mầm non và tiểu học trong khi các em nhỏ tuổi nhất trong lứa tuổi đi học cần được ưu ái chăm lo và cần phải được ngồi học trong những ngôi trường chắc chắn, có tiện nghi tối thiểu.

Sáng ngày 25/10, diễn ra Hội nghị “Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Đảng và Nhà nước ta coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu và luôn thể hiện sự quan tâm và quyết tâm phát triển giáo dục đào tạo bằng nhiều chủ trương và chính sách lớn.

Tháng 8 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó xác định rõ “phấn đấu đến năm 2030 tỉ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%”, tức là đến năm 2030, cả nước sẽ không còn phòng học tạm, phòng học chưa kiên cố.

 Hiện nay nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa vẫn còn những lớp học tạm (ảnh nguồn internet).

Hiện nay nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa vẫn còn những lớp học tạm (ảnh nguồn internet).

Để thực hiện được mục tiêu lớn này, cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vấn đề xóa trường tạm, nhà công vụ tạm cho thầy cô và học sinh được cả ngành giáo dục luôn đau đáu.

Đây vừa là việc thể hiện trách nhiệm xã hội chung, hướng tới bình đẳng xã hội, bình đẳng giáo dục, là việc có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và 50 năm thống nhất đất nước, 80 năm thành lập ngành Giáo dục mới vào năm 2025.

“Chúng ta vẫn thường nói tới truyền thống trọng học, hiếu học, truyền thống văn hiến. Những giá trị truyền thống này là có thực và rất đáng tự hào. Nó thể hiện ở nhiều yếu tố như: số người đi học, tinh thần học tập, việc tôn sư trọng đạo...

Nhưng một đất nước trọng học và hiếu học, cũng cần thể hiện ở những ngôi trường khang trang, đủ những thứ tối thiểu cho thầy cô tác nghiệp và học sinh học hành.

Đây chưa phải là một ưu ái, ưu tiên ở bất kỳ cấp độ nào, mà là một yêu cầu tối thiểu và đương nhiên để duy trì hoạt động tối thiểu của việc dạy và học” – Bộ trưởng Sơn chia sẻ.

Hiện nay, cả nước tỷ lệ kiên cố hóa bình quân đạt 86%, riêng mầm non và tiểu học đạt 83%, tỷ lệ này đã là rất cao so với 10 năm trước nhưng số chưa kiên cố hóa lại chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn, (như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, khu vực Trung bộ và cả Tây Nam Bộ), tỷ lệ chưa kiên cố hóa phòng học bậc mầm non và tiểu học nhiều tỉnh còn tới trên 40% (Đak Nông, Kontum, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu,…).

Đáng chú ý là những trường học tạm này lại nhiều nhất ở bậc học mầm non và tiểu học. Các em nhỏ tuổi nhất trong lứa tuổi đi học cần được ưu ái chăm lo và cần phải được ngồi học trong những ngôi trường chắc chắn, có tiện nghi tối thiểu. Mục tiêu trường ra trường, lớp ra lớp cần thực hiện một cách ráo riết hơn nữa.

Trường học là một thiết chế cộng đồng, thuộc cộng đồng, trong cộng đồng. Nó cần được cộng đồng quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ. Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, đã dành nhiều nguồn lực, nhiều chương trình, dự án, đề án, dành nhiều tiền bạc cho công việc kiên cố hóa trường học để đạt được tỷ lệ phòng học kiên cố hóa toàn quốc như chúng ta thấy trong số liệu báo cáo. Các địa phương, các tỉnh thành trong cả nước cũng đã rất cố gắng trong việc này như: tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư; quy hoạch và xác định rõ từng khu vực cần ưu tiên xã hội hóa, tuyên truyền về ý nghĩa của việc xã hội hóa cho giáo dục,...

Nhưng vì số trường học trong cả nước rất lớn (trên 53.000 trường học), trong khi đất nước cũng vừa thoát nghèo, nguồn lực còn hạn chế, lại còn rất nhiều việc phải tập trung đầu tư. Vì vậy, việc kiên cố hóa trường học luôn luôn cần sự chung tay của toàn xã hội, của cộng đồng.

Thời gian vừa qua cho thấy, trong xã hội có rất rất nhiều tấm lòng vàng, nhiều cơ quan, tổ chức nhiều cá nhân đã rất hăng hái quan tâm góp sức cho xây trường học và nhà công vụ. Nhiều người cũng chưa thực sự là giàu nhưng cũng bớt một phần tài sản của mình để tham gia xây trường học với những mức độ đóng góp khác nhau.

Khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, và hàng nghìn cá nhân đã tham gia đóng góp để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên (theo thống kê trong báo cáo, 10 năm qua đã có 37.200 phòng học và nhà ở công vụ cho giáo viên được xây dựng từ nguồn xã hội hóa với số kinh phí ước tính khoảng trên dưới 30.000 tỷ đồng). Các con số cho thấy sức mạnh cộng đồng, mối quan tâm của người dân tới giáo dục nói chung và việc chăm lo cho trường học nói riêng là rất to lớn trong xã hội.

“Qua những việc làm bình thường và qua việc đột xuất ứng phó với bão số 3 vừa qua càng cho thấy tinh thần lá lành đùm lá rách, tinh thần tương trợ, tinh thần ưu tiên những gì tốt đẹp nhất dành cho trẻ em luôn thường trực trong mỗi người Việt Nam.

Rất nhiều tổ chức và cá nhân đã tham gia đóng góp về tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và sách giáo khoa để khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục hoạt động các trường học bị tàn phá ở các tỉnh chịu thiệt hại bởi bão lũ, đặc biệt là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng… trong thời gian vừa qua” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho rằng, hoạt động thiện nguyện, quan tâm chia sẻ để xây trường học, tặng cho thầy trò vùng khó mang rất nhiều ý nghĩa giáo dục. Đây là một hành vi tốt đẹp, làm nhân lên những điều tốt đẹp trong xã hội.

“Khi ai đó cho đi một chút gì đó nho nhỏ, tức là khi đó người ta đã thắng được cái ích kỷ, cái tham nho nhỏ, làm lớn thêm một chút các giá trị bao dung và lòng vị tha. Khi ta chia sẻ cho người thứ gì đó lớn hơn, nhất là phần lớn so với những gì ta có, tức khi đó người ấy thắng được cái ích kỷ lớn hơn, rũ bỏ được cái tham lớn hơn, lòng người rộng mở và những gì tốt đẹp nhân lên trong tinh thần của người trao tặng.

Và về phía người nhận, họ được những điều kiện tốt hơn, và tinh thần họ ấm áp khi được quan tâm và lòng biết ơn sẽ nuôi dưỡng một tinh thần tốt đẹp bền vững hơn.

Vì vậy, không đợi giàu mới thực hiện giúp đỡ cộng đồng, không phải đợi thành người lớn mới làm việc quan tâm và chia sẻ. Trong việc xây dựng trường học và hỗ trợ trường học khó khăn, chúng tôi mong muốn cả các thầy cô giáo và các em học sinh trong các trường học vẫn có thể tham gia với sự đóng góp vật nhỏ nghĩa lớn của mình.

Và chúng tôi cũng lưu ý các thầy cô giáo các vùng được thụ hưởng cần tăng cường giáo dục lòng biết ơn, nhớ ơn cho các em học sinh tới những người đã giúp đỡ, để bồi đắp cho tâm hồn, để các em sống tốt hơn, trách nhiệm với xã hội nhiều hơn” – Bộ trưởng Sơn bày tỏ.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong giáo dục và đào tạo của mình, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công nhằm tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác.

Bộ cũng sẽ rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục để thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội cho việc này. Vụ Cơ sở vật chất – Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đóng vai trò là đơn vị điều phối việc huy động ngườn lực xã hội cho kiên cố hóa trường học.

Vụ có cơ sở dữ liệu tổng hợp nhu cầu, sẽ là đầu mối điều tiết, kết nối những nhà hảo tâm… Bộ sẽ thực hiện đầy đủ kịp thời các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã chỉ đạo trong Hội nghị ngày hôm nay.

“Đề nghị các địa phương cần rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích mô hình hợp tác công tư trong giáo dục nhằm tối ưu hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-nganh-giao-duc-luon-dau-dau-viec-xoa-truong-tam-cho-hoc-sinh-post318412.html