Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói về dự án cao tốc Bắc - Nam: Giờ không ai dám làm sai quy định
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc hay Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đều nhấn mạnh, công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam càng làm nhanh ngày nào thì đất nước càng phát triển ngày ấy…
Sáng nay, 9-6, Quốc hội thảo luận tổ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Trước khi chia tổ thảo luận, tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng, đã trình ra Quốc hội Tờ trình về nội dung này.
Theo Tờ trình, Chính phủ đã xây tiêu chí lựa chọn một số đoạn chuyển đổi sang đầu tư công trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc. Qua đó, chuyển 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc bắc – nam từ đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công và tiếp tục triển khai 5 dự án thành phần còn lại theo hình thức PPP.
Tổng mức đầu tư của Dự án là 100.816 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng đã bố trí và cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng. Chính phủ khẳng định việc chuyển sang dự án đầu tư công "đảm bảo chắc chắn triển khai thành công, tổng mức đầu tư giảm do không tính lãi vay".
Ngay sau đó, phát biểu trao đổi và thông tin rõ hơn với các ĐBQH khi thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể (đoàn Sóc Trăng) khẳng định Bộ GTVT và cá nhân ông sẽ cố gắng làm tốt nhất, đồng thời cho rằng trong triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông này không cơ quan nào dám làm sai quy định.
“Tôi khẳng định sẽ làm sao tốt nhất để đảm bảo chất lượng. Còn sơ sót thì quyết tâm là một phần nhưng nó đa dạng, không tránh khỏi chỗ này chỗ kia. Pháp luật nghiêm minh, ai sai dù cố tình hay vô tình thì cũng phải chịu trách nhiệm” - Bộ trưởng GTVT nói.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu thảo luận tại tổ
Tại tổ có đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, ĐB Vũ Hồng Thanh (Quảng Ninh) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cũng là cơ quan thẩm tra Tờ trình nêu trên của Chính phủ - cho biết, dự án cao tốc Bắc – Nam được hình thành khi chưa có Luật đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Ban đầu, 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam được Chính phủ trình Quốc hội đầu tư theo hình thức PPP. Nhưng bây giờ, do ảnh hưởng của Covid-19, Chính phủ xin điều chỉnh chủ trương sang đầu tư công. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và quyết định cho 3 đoạn là Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Dầu Giây – Phan Thiết chuyển đổi sang đầu tư công.
Cùng tổ này, ĐB Hồ Đức Phớc (đoàn Nghệ An), Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu: Hệ thống giao thông là đường băng của nền kinh tế. Nếu hệ thống giao thông vững chắc thì kinh tế quốc gia sẽ cất cánh nhanh hơn. Vì thế, ĐB Phớc ủng hộ việc chuyển đổi 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam nói trên sang đầu tư công.
Phân tích rõ hơn, Tổng Kiểm toán Nhà nước dẫn chứng, hiện nay, Quốc lộ 1A đã bị chia cắt thành nhiều dự án BOT khiến người dân và doanh nghiệp đều tốn chi phí sử dụng. Do vậy, phải đầu tư công tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông để người dân có thêm lựa chọn. Các dự án này làm càng nhanh ngày nào thì đất nước càng phát triển ngày ấy.
Tại tổ ĐBQH có đoàn Quảng Trị, thảo luận về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam mang lại lợi ích lớn, kết nối nhiều hạ tầng sân bay, cảng biển, khu du lịch, văn hóa... góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh. Đây là tuyến đường vô cùng quan trọng.
Ông Dũng nhấn mạnh, nước nào muốn phát triển nhanh đều phải làm cao tốc rất nhanh. Đơn cử như Trung Quốc, trung bình 3 năm qua, chỉ một tỉnh như Vân Nam hay Quảng Tây đã làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới mới chỉ có hơn 400km. Hiện vẫn còn hơn 1.300km đường cao tốc chưa làm, "mà lẽ ra với quyết tâm và nguồn lực từ cách đây hàng chục năm đã làm xong rồi".
Tại tổ TP HCM và Hà Nội, các ĐB Trương Trọng Nghĩa, Trần Hoàng Ngân, Nguyễn Phi Thường, Nguyễn Anh Trí... cũng đều tán thành việc chuyển đổi chủ trương đầu tư 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam như tờ trình của Chính phủ, song nhấn mạnh đến việc phải tăng cường giám sát, công khai minh bạch trong quá trình triển khai để tránh thất thoát, tiêu cực nảy sinh.