Bộ trưởng Tài chính: Tư vấn bán bảo hiểm nhân thọ phải ghi âm
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận những hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là vi phạm của các nhân viên, đại lý công ty bảo hiểm và sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra tình trạng này.
Sáng 18/3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã "đăng đàn" trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, tình trạng chèo kéo, vi phạm hoạt động bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi.
Chào mời mua bảo hiểm với chiết khấu cao
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phản ánh tình trạng người mua bảo hiểm được chào mời với chiết khấu cao, và được trừ vào tiền mua bảo hiểm lần đầu. Theo vị đại biểu, tình trạng người tư vấn bảo hiểm chèo kéo, tranh giành khách hàng quá mức làm méo mó thị trường bảo hiểm, gây hiểu lầm cho khách hàng.
"Bên cạnh đó, thời gian hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành trong khi đó người tư vấn thường chỉ tư vấn những mặt tốt của bảo hiểm mà chưa nói rõ những quyền hạn và điều kiện khi tham gia, dẫn đến tình trạng người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi", đại biểu Trần Đình Gia nhìn nhận.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng những hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên, đại lý công ty bảo hiểm. Luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn để bán bảo hiểm với những người chưa có đầy đủ nhận thức về sản phẩm bảo hiểm.
"Bộ Tài chính đã kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh và chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để xử lý", ông Phớc nói.
Về hợp đồng kéo dài, theo Bộ trưởng Phớc, trước đây, có những hợp đồng bảo hiểm kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2023, có một chương để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn.
"Đồng thời quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền và công ty bảo hiểm phải trả lại tiền", Bộ trưởng nói.
Ngân hàng hưởng lợi lớn từ bảo hiểm bán chéo
Trả lời về kết quả xử lý sai phạm và giải pháp trong thời gian tới để ngăn chặn các sai phạm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ của đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh), Bộ trưởng Phớc cho biết tại thị trường Việt Nam hiện có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ, trong đó chỉ có 2 công ty bảo hiểm trong nước là Tập đoàn Bảo Việt và Bảo Minh, còn lại 17 công ty bảo hiểm nhân thọ là công ty liên doanh và nước ngoài.
"Việc hoạt động của các công ty này chủ yếu do đại lý và nhân viên trong nước thực hiện, khi liên kết bán qua ngân hàng có những vi phạm có thể do hành vi của nhân viên ngân hàng, cũng chưa chắc là do các chủ tịch, hay lãnh đạo ngân hàng chỉ đạo", Bộ trưởng nói.
Tuy vậy, Bộ trưởng thừa nhận trong quá trình thực hiện, việc thanh tra, kiểm tra còn thiếu và việc định hướng, quản lý cũng chưa chặt chẽ dẫn tới tình trạng nhân viên, đại lý tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, Bộ đã xây dựng, tổ chức phối hợp thanh tra, kiểm tra để đảm bảo đúng đắn trong hoạt động bảo hiểm.
Bộ Tài chính đã phối hợp với thanh tra ngân hàng xử lý, ngăn chặn, đặc biệt yêu cầu nhân viên bán bảo hiểm khi tư vấn phải ghi âm trong quá trình tư vấn để phục vụ thanh tra kiểm tra
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
Chia sẻ thêm, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết trước đây có tình trạng người dân đến vay tiền nhưng nhân viên ngân hàng tư vấn lại hướng dẫn mua bảo hiểm. Bởi thực tế phần phí ngân hàng được hưởng từ các hợp đồng bảo hiểm bán chéo rất lớn, chiếm đến 37%.
Do vậy, khi doanh nghiệp vay được tiền đã tiến hành hủy ngang và không đóng tiếp cho các năm sau.
Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đã phối hợp với thanh tra ngân hàng xử lý, ngăn chặn, đặc biệt yêu cầu nhân viên bán bảo hiểm khi tư vấn phải ghi âm quá trình tư vấn để phục vụ thanh tra, kiểm tra sau này.
Liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại, Bộ trưởng cho biết vấn đề này đã được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm sửa đổi năm 2023. Đối với việc thực hiện bồi thường thiệt hại chậm hoặc cố tình có kéo, gây ra tranh chấp hiện có hai kênh giải quyết.
"Người dân gọi đến Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ có trách nhiệm giải quyết trong phạm vi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Nếu có dấu hiệu lừa đảo hình sự sẽ được xử lý qua bộ phận điều tra hình sự", ông Phớc nhấn mạnh.