Bộ trưởng Tư pháp giải trình hoạt động công chứng

Sáng 5/9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về 'Hoạt động công chứng, chứng thức: Thực trạng và giải pháp'. Nhiều vấn đề liên quan được đại biểu mổ xẻ, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo Bộ Tư pháp, sau 6 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được khoảng 7 triệu việc, tổng số phí công chứng thu được gần 2.600 tỷ đồng, tổng số thù lao công chứng thu được gần 180 tỷ đồng, tổng số tiền nộp ngân sách và thuế gần 1.000 tỷ đồng.

Tại phiên giải trình, các đại biểu đánh giá cao những kết quả tích cực của hoạt động công chứng, chứng thực từ năm 2007 đến nay trong việc giải quyết công việc cho nhân dân, nhất là đã hạn chế và giải quyết gần như triệt để việc chen chúc, ùn ứ, quá tải, “cò” công chức tại các Phòng Công chứng Nhà nước trước đây. Tuy nhiên, quá trình hoạt động cũng xuất hiện nhiều vấn đề cần sớm được chấn chỉnh.

Các đại biểu đề nghị cơ quan chức năng làm rõ tình trạng phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng có dấu hiệu “nóng” ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng như có hay không tình trạng đào tạo, cấp thẻ “Công chứng viên” (CCV) dễ dàng trong khi đây là việc đòi hỏi có trình độ cao, đào tạo bài bản, nhất là đến 80% số sai phạm của các Văn phòng Công chứng là do những người được miễn đào tạo.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết việc xã hội hóa hoạt động công chứng từ 2007 đến nay mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn bất cập, đó là tư duy quản lý chưa theo kịp, chưa lường hết những phát sinh trong quá trình xã hội hóa (như các tổ chức hành nghề công chứng phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, không khống chế việc thành lập bao nhiêu doanh nghiệp công chứng…) nên có việc lúng túng lúc ban đầu. Từ thực tế đó, Bộ Tư pháp nhận thấy các tổ chức hành nghề công chứng phải phát triển một cách bền vững như một sản nghiệp lâu dài vì trách nhiệm của CCV là suốt đời với việc công chứng di chúc hay hợp đồng mà họ đã thực hiện với khách hàng. Để khắc phục thực trạng 1 Văn phòng công chứng chỉ có 1 CCV, Bộ Tư pháp đang cùng các địa phương khắc phục bằng cách sáp nhập, hợp nhất các Văn phòng Công chứng có từ 2 CCV trở lên.

Hiện nay Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch của Thủ tướng về hoạt động công chứng để sắp xếp lại các Văn phòng Công chứng như sáp nhập lại, chuyển đổi sang địa bàn khác để không có tình trạng nơi quá nhiều, nơi quá ít Văn phòng Công chứng.

Về tiêu chuẩn của CCV, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị xây dựng tiêu chuẩn đầu vào của các CCV theo chuẩn để hạn chế sai phạm của các CCV. Thế giới ngạc nhiên trước những sai phạm như hiện nay của CCV ở nước ta vì theo họ đã làm nghề CCV ở các nước được thực hiện nghiêm túc, bài bản từ đào tạo để thực hiện việc công chứng cho nhân dân.

Về hoạt động phiên dịch văn bản để công chứng và chứng thực, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng đối với các phiên dịch viên và công ty dịch thuật, cần phải nâng cao chất lượng, không để thực trạng cứ dịch rồi đến các phòng tư pháp để chứng thực. Trong khi đó, cơ quan nhà nước lại không quản lý được công ty dịch thuật và phiên dịch viên. Nếu những giấy tờ phiên dịch này trở thành chứng cứ của thủ tục tố tụng thì hậu quả khôn lường nếu sai sót.

Về nội dung và sự khác nhau giữa công chứng và chứng thực, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết hoạt động công chứng là việc công chứng nội dung, thừa nhận các loại hợp đồng, di chúc là hợp pháp trong các hoạt động tố tụng và trở thành chứng cứ khi tranh chấp. Việc công chứng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi tiến hành các giao dịch kinh tế, sẽ phòng ngừa, ngăn chặn các tranh chấp có thể xảy ra, vì thế nên phí giao dịch có thể cao hơn so với hoạt động chứng thực (là thủ tục hình thức được chứng thực ở cấp phường xã hiện nay).

Nhằm bảo đảm an toàn cho khách hàng thực hiện công chứng, các Văn phòng Công chứng phải mua bảo hiểm để bồi thường cho khách hàng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 74% Văn phòng mua bảo hiểm (425/564 Văn phòng Công chứng, riêng TP. Hồ Chí Minh các Văn phòng Công chứng mua bảo hiểm 100%).

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cam kết sẽ đôn đốc chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc các Văn phòng Công chứng mua bảo hiểm để thực hiện trách nhiệm dân sự trong việc bồi thường cho khách hàng của mình, nếu làm sai. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang yêu cầu các tỉnh thực hiện thanh tra hoạt động của các Văn phòng công chứng, báo cáo Bộ trong tháng 9/2013 để chấn chỉnh và giúp cho công tác quản lý nhà nước được tốt hơn. Đồng thời, cũng xử lý nghiêm túc những sai phạm của các Văn phòng Công chứng hiện nay.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/hoat-dong-bo-nganh/bo-truong-tu-phap-giai-trinh-hoat-dong-cong-chung/180139.vgp