Bộ TT&TT: Doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỉ USD

Doanh thu kinh tế số quý 1-2022 đạt khoảng 53 tỉ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỉ USD, kinh tế số ICT và kinh tế số ngành tốc độ tăng trưởng doanh thu khoảng 15%.

 Các chuyên gia quốc tế dự báo nền kinh tế số Việt Nam lớn thứ hai Đông Nam Á vào năm 2030, đạt 220 tỉ USD.

Các chuyên gia quốc tế dự báo nền kinh tế số Việt Nam lớn thứ hai Đông Nam Á vào năm 2030, đạt 220 tỉ USD.

Thông tin được đưa ra tại phiên họp lần thứ hai của Ủy ban Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - diễn ra mới đây. Phiên họp do Thủ tướng chủ trì, nhằm đánh giá kết quả thực hiện quý I/2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong quý II/2022 và thời gian tới.

Báo cáo tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban - cho biết, đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. Theo ước tính của Bộ, doanh thu kinh tế số quý 1-2022 đạt khoảng 53 tỉ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỉ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp công nghệ số mới thành lập tính đến hết tháng 02/2022 đạt 65.329 doanh nghiệp, tăng 487 doanh nghiệp so với năm 2021.

Cũng theo báo cáo, thời gian qua, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định về chuyển đổi số, trong đó có phê duyệt Ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Hàng loạt cơ sở dữ liệu đang hoàn thiện

Cũng theo báo cáo của đại diện Bộ TT&TT, các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tại Phiên họp

Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số (kết nối với 8 bộ, ngành để bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, như gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi tiêm chủng; trên 570.000 thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên; triển khai thí điểm chip điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân; thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh…).

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai và bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 4,5 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 3,2 triệu dữ liệu đăng ký khai tử.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn một triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tỉ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%.

Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong quý I/2022, cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý 77.732.636 hóa đơn điện tử.

Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, quý I/2022 đã bồi dưỡng, tập huấn được gần 1.000 cán bộ, công chức và mục tiêu đến tháng 10/2022 sẽ bồi dưỡng, tập huấn được cho 10.000 cán bộ, công chức về chuyển đổi số.

Xã hội số, với trọng tâm là công dân số, được chú trọng phát triển. Một số ứng dụng Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng Việt Nam, được đông đảo người dân sử dụng.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bo-tt-tt-doanh-thu-kinh-te-so-quy-i-2022-dat-khoang-53-ti-usd-post156442.html