Bộ Tư pháp công bố Bộ pháp điển Việt Nam
Chiều tối 5-11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Theo quy định pháp luật, nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện định kỳ 5 năm một lần. Năm 2013, các bộ, ngành, địa phương thực hiện hệ thống hóa kỳ đầu tiên, năm 2018 thực hiện kỳ thứ 2 và năm 2023 là kỳ thứ 3.
Kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương trong kỳ 2019-2023 cho thấy có 8.489 văn bản còn hiệu lực (gồm 290 văn bản của Quốc hội; 82 văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1.365 văn bản của Chính phủ; 596 văn bản của Thủ tướng Chính phủ; 6.156 văn bản của bộ, ngành); 4.019 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; 1.724 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần; 760 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới.
Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có 32.251 văn bản còn hiệu lực; 16.205 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; 3.177 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần; 4.755 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới.
Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện có 11.174 văn bản còn hiệu lực; 10.457 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; 197 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần; 1.087 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới.
Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã có 5.043 văn bản còn hiệu lực; 9.495 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; 56 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần; 236 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới.
Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, sau chặng đường hơn 10 năm triển khai thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã quyết tâm, nỗ lực xây dựng Bộ pháp điển điện tử, là sản phẩm chính thức của Nhà nước, là công cụ tra cứu pháp luật một cách hệ thống, toàn diện và đầy đủ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ pháp điển có vai trò, ý nghĩa, giá trị thiết thực trong việc bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ tra cứu của các quy định pháp luật; đồng thời, thông qua việc hỗ trợ các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu các quy định pháp luật, Bộ pháp điển góp phần giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
“Quá trình xây dựng, cập nhật Bộ pháp điển góp phần nâng cao hiệu quả hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với công tác tổ chức thi hành pháp luật được xác định là nhiệm vụ quan trọng, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nói.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/bo-tu-phap-cong-bo-bo-phap-dien-viet-nam-801738