Bộ Tư pháp công bố Bộ pháp điển Việt Nam
Bộ pháp điển được xây dựng từ gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của cấp Trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề, trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục.
Chiều 5/11, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam - công cụ tra cứu pháp luật được xây dựng trong 10 năm.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, năm 2013 là năm bắt đầu xây dựng Bộ pháp điển và cũng là năm đầu tiên các bộ, ngành, địa phương thực hiện kỳ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước.
Đến nay, sau 10 năm, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện 3 kỳ hệ thống hóa văn bản thống nhất trong cả nước, trong đó kỳ hệ thống hóa văn bản thứ 3 (2019-2023) vừa được hoàn thành.
Sau 10 năm triển khai, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã quyết tâm, nỗ lực xây dựng Bộ pháp điển điện tử, là sản phẩm chính thức của Nhà nước, là công cụ tra cứu pháp luật một cách hệ thống, toàn diện và đầy đủ.
"Hôm nay, chúng ta chính thức công bố và đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nói.
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Bộ pháp điển có giá trị thiết thực trong việc bảo đảm tính công khai, minh bạch, đồng thời hỗ trợ cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu các quy định pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định, việc đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, nhiệm vụ này sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật.
Bộ pháp điển được xây dựng, hình thành từ gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của cấp Trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề, trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề).
Mỗi đề mục được pháp điển từ nhiều văn bản khác nhau cùng điều chỉnh một lĩnh vực nhất định và được sắp xếp theo một trật tự khoa học, logic.
Cấu trúc của đề mục dựa theo bố cục của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong các văn bản được pháp điển vào mỗi đề mục.
Bộ pháp điển giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật, qua đó, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và trình độ pháp lý của người dân ngày càng được nâng cao.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-tu-phap-cong-bo-bo-phap-dien-viet-nam-2339054.html