Bộ Tư pháp nói gì về việc nhiều người bỏ cọc sau khi trúng đấu giá biển số ô tô ?
Theo đại diện Cục Bổ trợ tư pháp, luật đã quy định những chế tài tương đối đầy đủ, trong đó, người bỏ 'cọc' sau khi trúng đấu giá biển số xe ô tô sẽ bị xử phạt hành chính, còn biển số xe tiếp tục được đưa ra đấu giá lại.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý 3 Bộ Tư pháp tổ chức chiều 19/10, PV đặt câu hỏi: Thời gian qua việc đấu giá biển số xe ô tô đang rất nóng, tuy nhiên, có một số khách sau khi trúng đấu giá số tiền lớn đã bỏ cọc, là cơ quan quản lý Nhà nước Bộ tư pháp đánh giá gì về hành vi này và có biện pháp xử lý như thế nào đối với các trường hợp bỏ cọc không?
Trả lời câu hỏi, bà Nguyễn Thị Hoa (Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp) khẳng định, bản chất của hoạt động đấu giá là tối đa hóa giá trị của tài sản, nếu giá trị càng cao thì càng được coi là thành công.
Theo bà Hoa, Nghị quyết 73 của Quốc hội cũng có những quy định về việc tính tiền đặt trước ở mức tương đối cao, bằng giá khởi điểm đưa ra là 40 triệu đồng. Để hạn chế bỏ cọc, Luật Đấu giá tài sản còn có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của khách hàng, như không được nhận lại tiền đặt trước, sẽ bị truất quyền đấu giá nếu không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính...
Đặc biệt, người vi phạm quy định về đấu giá còn bị xử phạt hành chính, còn biển số xe đã trúng tiếp tục được đưa ra đấu giá lại. "Như vậy, tôi nghĩ luật đã quy định những chế tài tương đối đầy đủ, trong đó nếu có dấu hiệu vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính", bà Nguyễn Thị Hoa nói.
Để khắc phục lỗ hổng đấu giá trong thời gian tới, đại diện Cục Bổ trợ tư pháp khẳng định Bộ Tư pháp đang nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, dự kiến trình Quốc hội thông qua. Trong đó tập trung giải quyết vấn đề tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá, nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan liên quan.
Trước đó ngày 15/9, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức đấu giá biển số xe ô tô phiên đấu giá thứ nhất, bao gồm 11 biển số của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tổng số tiền được khách hàng trả giá 82,325 tỷ đồng.
Trong phiên này, biển 51K-888.88 giữ kỷ lục trúng đấu giá cao nhất. Chưa đầy 10 phút, người tham gia đã trả mức trên 10 tỷ đồng. Những phút cuối cùng, mức giá hơn 32 tỷ đồng được chốt sau 427 lượt trả.
Tuy nhiên, biển số này cùng 5 biển số khác cũng với mức giá tiền tỷ đã không được khách hàng thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo thời gian quy định. Do đó, kết quả trúng đấu giá này đã bị hủy. 6 biển số được đưa ra đấu giá lại.
Sau khi niêm yết lại 6 biển số xe không được khách hàng phiên đấu giá hôm 15/9 hoàn thành nghĩa vụ tài chính, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam dự kiến cho đấu giá lại từ ngày 17/10.
Danh sách các biển số vừa được niêm yết đưa ra đấu giá lại gồm: 51K-888.88 (TP.HCM) 30K-555.55 (Hà Nội); 30K-567.89 (Hà Nội); 36A-999.99 (Thanh Hóa), 98A-666.66 (Bắc Giang) và 47A-599.99 (Đắk Lắk).
Căn cứ theo điểm a, khoản 3 điều 19 nghị định 39/2023, Cục Cảnh sát giao thông đã ban hành quyết định hủy kết quả đấu giá với 6 biển số trên.
Số tiền đặt trước (40 triệu đồng) của 6 trường hợp này không được hoàn trả và Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam sẽ phải chuyển vào tài khoản của Cục Cảnh sát giao thông. Sau đó, cơ quan này nộp vào ngân sách nhà nước.