Bộ VHTTDL lên tiếng về những vấn đề tại Hãng phim truyện Việt Nam

Bộ VHTTDL đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn tại Hãng phim truyện Việt Nam, đồng thời mong muốn nhận được sự đồng hành của các cơ quan báo chí. (CLO) Bộ VHTTDL đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn tại Hãng phim truyện Việt Nam, đồng thời mong muốn nhận được sự đồng hành của các cơ quan báo chí.

Tại cuộc Họp báo thường kỳ quý I năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ngày 24/3, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, liên quan đến những sự việc kéo dài tại Hãng phim truyện Việt Nam trong thời gian qua, quan điểm của Bộ là nhìn thẳng vào khó khăn vướng mắc, tháo gỡ từng bước.

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, đây là những vướng mắc, khó khăn đã tồn tại lâu dài, nhiều năm qua, Bộ VHTTDL đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ. Bộ mong muốn trong quá trình triển khai thực hiện sẽ nhận được sự đồng hành của các cơ quan báo chí, nhằm thông tin đúng, chính xác, ổn định tâm lý văn nghệ sĩ, định hướng đúng cho độc giả, những người yêu mến nền điện ảnh Việt Nam.

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại họp báo. Ảnh: Trần Huấn

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại họp báo. Ảnh: Trần Huấn

Thông tin về thực hiện thủ tục để nhà đầu tư chiến lược VIVASO rút vốn khỏi Hãng Phim truyện Việt Nam, bà Phan Linh Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTTDL) cho biết, từ năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trả lại tiền cho nhà đầu tư chiến lược VIVASO.

Sau đó, Bộ đã triển khai nhiều hoạt động, từ gặp gỡ trực tiếp đến gửi văn bản cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, VIVASO vẫn chưa đưa ra văn bản chính thức về những tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất số tiền cụ thể để hoàn trả lại cổ phần mà VIVASO đã mua.

Mặc dù phía nhà đầu tư chiến lược không hợp tác tích cực, Bộ VHTTDL vẫn chủ động soạn thảo những văn bản, dự thảo các quyết định và lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về những kiến nghị và phương thức xử lý.

Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản trả lời, cho biết việc này cần sự thống nhất giữa hai bên. Bộ VHTTDL không thể đơn phương thực hiện vì đây là hợp đồng dân sự.

Bà Chi cũng cho hay, một khó khăn khác là chưa có nguồn để chi trả cho nhà đầu tư chiến lược. Nếu như trước đây nhà đầu tư đưa ra một con số hợp lệ thì số tiền chi trả cho VIVASO có thể được sử dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ngày 31/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 148 về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022). Theo Nghị định này, nếu VIVASO có đưa ra con số hợp lý thì cũng chưa có nguồn kinh phí để trả lại cho nhà đầu tư.

 Bà Phan Linh Chi thông tin về giải quyết những vướng mắc sau cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Trần Huấn

Bà Phan Linh Chi thông tin về giải quyết những vướng mắc sau cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Trần Huấn

“Ngày 22/3, Bộ VHTTDL có báo cáo chi tiết với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái rất cụ thể, chi tiết về lộ trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Không những Bộ VHTTDL báo cáo mà cả Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về việc này. Hai báo cáo đều đồng nhất. Cho tới nay chúng tôi chưa nhận được hướng dẫn cụ thể từ Thủ tướng", bà Phan Linh Chi cho biết.

Trả lời quan tâm của báo chí về việc tìm nhà đầu tư chiến lược mới, bà Phan Linh Chi thông tin, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ đã làm việc với các cơ quan, ban, ngành liên quan và tại thời điểm năm 2018-2019, Đài Tiếng nói Việt Nam có đề xuất về việc sẽ là nhà đầu tư chiến lược, mua lại cổ phần của VIVASO. Nhưng sau đó 7 tháng, Đài có văn bản cho biết không đủ nguồn lực tài chính. Hiện nay, Bộ VHTTDL vẫn nghiên cứu, đề xuất tìm nhà đầu tư chiến lược mới.

Một vấn đề nóng được báo chí quan tâm tại họp báo là vấn đề tình trạng của những bản phim, phương tiện quay phim gắn liền với lịch sử của Hãng phim truyện Việt Nam. Trước đó, dư luận báo chí và một số nghệ sĩ phản ánh thông tin những bản phim này hiện đang bị hư nỏng nặng, không có khả năng phục hồi… Về nội dung này, bà Phan Linh Chi cho biết, những bản phim hiện được lưu trữ tại hãng phim là phiên bản, còn bản gốc đã được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam.

Cảnh hoang tàn của Hãng phim truyện Việt Nam sau khi cổ phần hóa:

“Trong số 291 phim đang lưu tại Hãng, có 278 phim đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam theo chức năng lưu trữ quy định. 13 phim còn lại không lưu bởi là phim của Hãng làm theo đặt hàng của các Ban, Bộ, ngành và phim sản xuất hợp tác khác, không thuộc chức năng lưu trữ của Viện phim. Vì thế, chúng ta có thể yên tâm là các bản phim gốc đang được bảo quản tốt và không lo sợ sẽ bị mất mát", bà Phan Linh Chi cho biết.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-vhttdl-len-tieng-ve-nhung-van-de-tai-hang-phim-truyen-viet-nam-post240698.html