Bộ Xây dựng nói gì về việc Alibaba lừa đảo, thanh tra bị bắt tại Vĩnh Phúc?
Nói về việc Công ty Alibaba lừa đảo khách hàng, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh, trách nhiệm chính trong việc thanh, kiểm tra dự án, xử lý vi phạm, thu hồi, đình chỉ, tạm dừng, cho phép chuyển nhượng... là UBND các tỉnh, thành.
Alibaba lừa đảo, trách nhiệm của địa phương?
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 30/9, Bộ Xây dựng đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên về các vấn đề dư luận quan tâm như vụ Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba lừa đảo 6.700 người, và hơn 2.500 tỷ đồng tại 40 dự án, vụ xem xét kỷ luật tập thể trong vụ cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt tại Vĩnh Phúc...
Đáng chú ý, khi trả lời về trách nhiệm khi để vụ việc Địa ốc Alibaba lừa đảo người tiêu dùng trong thời gian dài, tại nhiều địa phương, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, không nhận trách nhiệm mà cho cho rằng Bộ Xây dựng đã làm đúng chức trách.
"Bộ Xây dựng đã làm đúng chức trách trong việc cảnh báo cũng như đề nghị UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý để bảo đảm ổn định thị trường bất động sản, trong đó có TPHCM và các tỉnh có dự án “ma” của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba", ông Nguyễn Trọng Ninh nói.
Nói về các dự án của Công an Alibaba, ông Ninh cho biết, các dự án của doanh nghiệp này vi phạm ở tất cả các luật, do đó sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản viện dẫn quy định tại điều 17, Luật Kinh doanh bất động sản về vai trò quản lý Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật, trách nhiệm quản lý thị trường BĐS đối với Bộ Xây dựng và cho biết, Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành địa phương để thực thi pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh trách nhiệm chính trong việc thanh, kiểm tra dự án, xử lý vi phạm, thu hồi, đình chỉ, tạm dừng, cho phép chuyển nhượng... là UBND các tỉnh, thành.
Ông Nguyễn Trọng Ninh nói rằng, để triển khai một dự án có rất nhiều công đoạn, liên quan đến nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị... Nếu là dự án vi phạm thì phải xác định dự án đó vi phạm ở giai đoạn nào, luật nào.
Đối với các dự án vi phạm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 11 về thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường BĐS, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng với chức năng quản lý Nhà nước đã có Văn bản số 1684/BXD-QLN ngày 19/7/2019 gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thực hiện nghiêm các giải pháp như: Thực hiện theo Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định lành mạnh; Tổ chức triển khai, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; có biện pháp ổn định thị trường và công khai thông tin về chương trình phát triển nhà ở, đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng để người dân được biết, tránh tình trạng các dự án lừa đảo; xử lý nghiêm các chủ đầu tư; Tổ chức kiểm tra, thu hồi, đình chỉ, chuyển đổi dự án theo quy định.
Kỷ luật tập thể vụ thanh tra bị bắt ở Vĩnh Phúc
Cũng tại cuộc họp báo này, ông Lê Văn Lãng, Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, liên quan việc cán bộ thanh tra bị bắt ở Vĩnh Phúc, hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang xem xét kỷ luật tập thể trong vụ cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt tại Vĩnh Phúc. “Hiện tại thanh tra Bộ Xây dựng chưa nắm thêm được thông tin”, ông nói.
Đáng chú ý, theo ông Lê Văn Lãng, khi cơ quan công an chưa đưa ra chính thức tội danh hành vi của bà Kim Anh (trưởng đoàn thanh tra bị bắt tại Vĩnh Phúc) thì chưa thể kết luận là vòi tiền, nhận hối lộ.
Trả lời về việc Bộ Xây dựng lại bố trí đoàn thanh tra có 2 chị em ruột là Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng đoàn và Nguyễn Thị Kim Liên, thành viên?, ông Lãng cho biết, pháp luật cũng không cấm điều này.
Hiện tại, Thanh tra Bộ Xây dựng mới đang xử lý kỷ luật vụ việc liên quan cơ quan điều tra. Theo đó, cơ quan điều tra yêu cầu đình chỉ sinh hoạt Đảng để công an thực hiện theo luật tố tụng, đình chỉ chức vụ để xử lý theo đúng quy định.
“Thanh tra Bộ thực hiện theo đúng cơ quan điều tra. Để xem xét kỷ luật tổ chức cá nhân, hiện Ủy Ban Kiểm tra trung ương đang làm. Liên quan đến trách nhiệm của tập thể khi xảy ra vụ việc, Thanh tra sẽ công bố chính thức sau”, Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết.
Ông Lê Văn Lãng cho biết thêm, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chủ động làm việc cơ quan công an tỉnh Vĩnh Phúc. Do đoàn thanh tra cũ chưa kết thúc việc thanh tra thì xảy ra vụ việc nên Bộ Xây dựng đã thành lập thanh tra thứ hai theo quy định. Đến nay, đoàn thanh tra thứ 2 cũng đã kết thúc việc thanh tra tại Vĩnh Phúc.
Khi được hỏi về việc công bố kết luận thanh tra của đoàn thứ hai tại Vĩnh Phúc, ông Lãnh cho cho biết tính chất phức tạp và “hứa” sẽ công bố trong thời gian tới.
“Quyết định công bố công khai các đối tượng có liên quan đến kết luận chọn một trong những hình thức như công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, công bố tại trụ sở nơi thanh tra trong vòng 15 ngày liên tiếp, hình thức tại hội nghị”, ông nói.