Bộ Xây dựng triệt thoái vốn, CC1 sẽ về tay ai?

HĐQT CC1 vừa thông qua việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm xem xét miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT Lê Dũng và cho cổ đông chiến lược được tự do chuyển nhượng cổ phần sau 3 năm thay vì 5 năm so với cam kết trước đây.

 Tòa nhà Sailing Tower của CC1

Tòa nhà Sailing Tower của CC1

Những chuyển biến đáng chú ý tại Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) diễn ra không lâu sau khi Bộ Xây dựng hoàn tất việc thoái vốn.

Cụ thể, vào cuối tháng 11/2020, cổ đông Nhà nước đã đem đấu giá toàn bộ 44,58 triệu cổ phần, tương đương 40,53% vốn của CC1, với mức giá khởi điểm 23.030 đồng/cổ phần.

Phiên đấu giá thu hút được tới 13 nhà đầu tư đăng ký tham gia, tất cả đều là các cá nhân. Kết quả, có 12 nhà đầu tư trúng đấu giá, với mức giá đấu thành công ở mức 23.031 đồng/cổ phần – tức chỉ nhỉnh hơn 1 đồng so với giá khởi điểm.

Thương vụ thoái vốn thuận lợi giúp Bộ Xây dựng thu về 1.026,8 tỉ đồng sau nhiều năm trễ hẹn.

Theo tính toán của VietTimes, bình quân các nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để sở hữu cổ phần CC1. Dù vậy, dường như không nhà đầu tư cá nhân nào muốn trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.

Bởi lẽ, báo cáo kết quả đấu giá cho thấy khối lượng đặt mua chỉ dao động từ 2,8 triệu cổ phần (tương đương 2,5% VĐL CC1) tới 4,2 triệu cổ phần (tương đương 3,8% VĐL CC1). Mức giá đặt mua cao nhất cũng chỉ cao hơn 10 đồng so với giá khởi điểm, là 23.040 đồng/cổ phần.

CC1 sẽ về tay ai?

Trước khi Bộ Xây dựng thoái vốn, cơ cấu cổ đông của CC1 khá cô đặc, đa số cổ phần nằm trong tay các cổ đông tổ chức. Các quyết sách quan trọng của CC1 vì thế cũng chủ yếu do các cổ đông này quyết định.

Trong đó, nhóm cổ đông lớn và cũng là nhà đầu tư chiến lược nắm giữ tới 45% vốn của CC1, bao gồm: CTCP Cơ điện lạnh Nam Thịnh (15% VĐL), CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (19% VĐL) và CTCP Top American Việt Nam (11% VĐL).

Dù là nhà đầu tư chiến lược, song các cổ đông này từ lâu đã không còn mặn mà với việc nắm giữ cổ phiếu CC1.

Danh sách cổ đông lớn của CC1 tại ngày 10/7/2020 (Nguồn: CC1)

Sau khi cổ đông Nhà nước triệt thoái vốn, ngày 11/12/2020, HĐQT CC1 đã thông qua việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường, dự kiến diễn ra ngày 21/1/2021.

Trong đó, ĐHĐCĐ sẽ thông qua việc miễn nhiệm ông Lê Dũng – Chủ tịch HĐQT và 2 thành viên HĐQT khác là ông Huỳnh Tấn Trí và ông Hoàng Trung Thanh.

Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng sẽ xem xét việc cổ đông chiến lược được tự do chuyển nhượng cổ phần sau 3 năm nắm giữ thay vì 5 năm so với cam kết trước đây; đồng thời, cho phép các cổ đông là người lao động trong CC1 được chuyển nhượng tư do cổ phần bị hạn chế theo năm công tác so với cam kết trước đây.

Đề xuất cho phép cổ đông chiến lược tại CC1 được tự do chuyển nhượng trước hạn không mới.

Như VietTimes từng đề cập, nội dung này đã được một cổ đông lớn và cũng là nhà đầu tư chiến lược của CC1 đề xuất bổ sung vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 25/5/2019. Tuy nhiên, đề xuất này được đại diện cổ đông Nhà nước đề nghị chưa xem xét, thông qua tại kỳ họp.

Thêm nữa, trong 2 năm trở lại đây, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt (BVIF) còn mua vào lượng lớn cổ phần CC1, nâng tỉ lệ sở hữu lên mức 9,47% vốn điều lệ (tính đến ngày 10/7/2020).

Sự tham gia của một công ty quản lý quỹ như BVIF thường gặp ở nhiều thương vụ M&A trên thị trường chứng khoán, trong vai trò trung gian, "mua hộ" cổ phần. Do đó, tiếp sau cổ đông Nhà nước, nhiều khả năng các nhà đầu tư chiến lược cũng sẽ thoái vốn khỏi CC1 để nhường bước cho các nhóm cổ đông mới.

Nguyễn Ánh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bo-xay-dung-triet-thoai-von-cc1-se-ve-tay-ai-post141166.html