Bốc thăm môn thi vào lớp 10: Cơ hội hay áp lực mới ?

Mặc dù dự thảo phương án thi vào lớp 10 sẽ có ba môn, bao gồm Toán, Ngữ văn và một môn được bốc thăm ngẫu nhiên có những ưu điểm trong việc khuyến khích học sinh phát triển toàn diện, nhưng rõ ràng những khó khăn mà học sinh, giáo viên và nhà trường phải đối mặt là rất lớn. Từ áp lực tâm lý, khó khăn trong việc chuẩn bị kiến thức cho đến sự thay đổi trong công tác giảng dạy, tất cả đều đặt ra những thách thức cần được giải quyết một cách thấu đáo.

Giờ học Tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Tiên Kiên, huyện Lâm Thao.

Giờ học Tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Tiên Kiên, huyện Lâm Thao.

“Nóng” với phương án thi tuyển sinh mới

Để hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BG&ĐT.

Dự thảo nêu hai phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là xét tuyển hoặc thi tuyển. Không còn phương thức thứ ba như quy định hiện hành là kết hợp xét và thi tuyển.

Về phương thức thi tuyển, dự thảo quy định cụ thể số lượng môn thi là ba môn: Toán, Ngữ văn và một môn thi do sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học tính điểm còn lại thuộc chương trình GDPT cấp THCS (gồm các môn: Tiếng Anh, Giáo dục công dân, KHTN, Lịch sử - Địa lý, Công nghệ, Tin học). Dự thảo còn quy định chi tiết về cách thức bốc thăm môn thi thứ ba và dự kiến quy định môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Những học sinh thi trường chuyên sẽ thi thêm môn chuyên tương ứng.

Năm học 2024-2025, cũng là năm đầu tiên kỳ thi lớp 10 được tổ chức theo Chương trình GDPT mới. So với chương trình cũ, nhiều môn được dạy tích hợp như Lịch sử- Địa lý, KHTN (gồm ba môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học). Vì vậy, nội dung này đang trở thành chủ đề nóng, gây nhiều ý kiến tranh luận.

Khi được hỏi về việc bốc thăm môn thi thứ ba, nhiều giáo viên cho rằng đây là một hướng đi mới, tạo điều kiện để các em học sinh được trải nghiệm nhiều hơn và không bị quá tập trung vào một vài môn nhất định.

Theo chia sẻ của cô giáo Lê Thị Huyền Ngọc, nguyên là giáo viên dạy môn Ngữ Văn tại Trường THCS Supe (huyện Lâm Thao) cho biết: “Việc bốc thăm sẽ tạo ra sự công bằng trong kỳ thi tuyển sinh, khi mà không có môn nào quá được ưu ái”.

Phương pháp này khuyến khích học sinh ôn tập đều các môn, không chỉ tập trung vào một vài môn chính như trước đây. Qua đó giúp học sinh rèn luyện tính linh hoạt, tự tin hơn trong quá trình làm bài. Đồng thời là động lực để các em học đều các môn”.

Đồng tình với quan điểm này, thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đài (huyện Tân Sơn) đưa ra những lý do: “Môn thi thứ ba bốc thăm ngẫu nhiên trong khoảng thời gian trước khi tổ chức Kỳ thi sẽ giảm được tình trạng học sinh học “tủ”, học lệch các môn ở THCS, tránh tình trạng các em không dành thời gian để học các môn không thi, ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục ở THCS- giai đoạn giáo dục cơ bản.

Theo Chương trình GDPT 2018, THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Học sinh lên THPT được lựa chọn môn học. Nếu không chú trọng học đều các môn ở THCS, sẽ có học sinh “hổng” kiến thức phổ thông với những môn các em xác định không tiếp tục học ở THPT.

Giờ học ngoại khóa tuyên truyền về Luật An toàn giao thông tại Trường THCS Gia Cẩm, TP Việt Trì.

Giờ học ngoại khóa tuyên truyền về Luật An toàn giao thông tại Trường THCS Gia Cẩm, TP Việt Trì.

“Áp lực kép” đi kèm

Bên cạnh những ưu điểm, phương pháp bốc thăm cũng đặt ra không ít khó khăn cho học sinh, giáo viên và nhà trường. Việc không biết trước môn thi sẽ khiến học sinh luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng. Đặc biệt, với những em có sở trường và sở đoản khác nhau, việc phải ôn luyện đều tất cả các môn là một gánh nặng không nhỏ.

Em Nguyễn Phùng Khánh Linh, học sinh lớp 9 Trường THCS Supe (huyện Lâm Thao) bày tỏ: “Trong chương trình THCS hiện nay, ngoài các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, chúng em còn học các môn tích hợp như KHTN (gồm ba môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), Lịch sử-Địa lý và một số môn học khác. Giả sử môn thi thứ ba rơi vào nhóm môn KHTN, các bạn học tốt những môn này sẽ thở phào, còn các bạn có thiên hướng học các môn thuộc nhóm KHXH như em sẽ loay hoay rơi vào thế khó, chưa kể em sẽ không có nhiều thời gian ôn tập kỹ lưỡng lượng kiến thức của các môn học khi môn thi thứ ba được công bố vào cuối tháng 3. Áp lực, tâm lý vì thời gian ngắn ngủi, khi đó cơ hội thi đỗ vào lớp 10 của em sẽ càng khó hơn”.

Bốc thăm một môn ngẫu nhiên nhằm tạo ra một kỳ thi vào lớp 10 có tính công bằng, tạo cho học sinh thói quen học đều các môn, tuy nhiên, việc bốc thăm chọn ra môn thi thứ ba cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức về phía các nhà trường.

Đại diện Trường THCS Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) cho biết việc xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh sẽ trở nên phức tạp hơn bởi phía nhà trường sẽ phải linh hoạt điều chỉnh chương trình giảng dạy, cấu trúc đề thi, đảm bảo tất cả các em đều có cơ hội được ôn tập, trang bị đầy đủ kiến thức.

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, nên để cố định ba môn: Văn (thuộc tổ hợp KHXH), Toán (thuộc tổ hợp KHTN) và Tiếng Anh (Ngôn ngữ giao tiếp để hội nhập). Ba môn này như xương sống của giáo dục cấp THCS. Ngoài ra, nếu lựa chọn hình thức bốc thăm môn thi thứ ba, Bộ GD&ĐT nên công bố sớm môn thi ngay từ đầu năm học để các em có thêm thời gian chuẩn bị thay vì công bố trước kỳ thi 2 tháng”- đại diện Trường THCS Tiên Kiên phân tích.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, Sở đã nghiên cứu để có ý kiến góp ý một số nội dung. Trong đó, Sở nhất trí dự thảo thi vào lớp 10 THPT gồm 3 môn: Toán, Ngữ văn bắt buộc, môn thi thứ ba lựa chọn trong các môn có đánh giá bằng điểm số. Riêng với môn thi thứ ba, Sở GD&ĐT Phú Thọ đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xem xét như sau:

Phương án một, việc lựa chọn môn thi thứ ba nên giao cho UBND các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình thực tế địa phương quyết định và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Việc này nhằm bảo đảm tăng cường phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Phương án hai, nếu theo cách bốc thăm môn thi thứ ba thì chỉ nên thực hiện một trong số các môn: Tiếng Anh, KHTN, Lịch sử-Địa lý, Giáo dục công dân. Bởi hiện tại, Chương trình THCS có 8 môn được đánh giá bằng điểm số gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, KHTN, Lịch sử-Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục công dân. Trong khi môn Tin học nhiều trường khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa điều kiện về cơ sở vật chất, máy tính còn thiếu và khó khăn, điều kiện về đội ngũ tham gia giảng dạy còn thiếu. Môn Công nghệ có nhiều mô-đun gây khó khăn trong việc tổ chức ôn tập, biên soạn đề thi, tổ chức thi và các môn còn lại chỉ đánh giá “đạt” hoặc “chưa đạt”.

Đồng chí Phùng Quốc Lập cho biết thêm: “Theo quy định hiện hành, Bộ GD&ĐT quy định ba phương thức tuyển sinh vào THPT là: Xét tuyển, thi tuyển và kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Trong dự thảo Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến, chúng tôi cũng đề xuất có thêm phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển như hiện nay”.

Việc tổ chức thi tuyển với ba môn học: Toán, Ngữ văn và một môn bốc thăm ngẫu nhiên không chỉ cần có sự đồng thuận của các bên liên quan mà còn cần có những biện pháp hỗ trợ cụ thể để đảm bảo công bằng và hiệu quả cho tất cả học sinh.

Phương án thi vào lớp 10 với ba môn, trong đó có một môn bốc thăm ngẫu nhiên là một đổi mới đáng chú ý trong hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, để thực hiện thành công phương án này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu đánh giá hiệu quả của phương án này để có những điều chỉnh phù hợp.

Bảo Thoa

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/boc-tham-mon-thi-vao-lop-10-co-hoi-hay-ap-luc-moi-221236.htm