Bồi đắp tình yêu quê hương qua những bài học lịch sử

Lịch sử địa phương là một bộ phận của lịch sử dân tộc, có quan hệ mật thiết với lịch sử dân tộc. Việc giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống các trường phổ thông nhằm thực hiện việc đổi mới giáo dục theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và phát huy sự chủ động tìm hiểu kiến thức của học sinh.

Trường Tiểu học Nhật Tân với hoạt động Giáo dục Lịch sử địa phương tại Đình Nhật Tân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Thu Hương

Trường Tiểu học Nhật Tân với hoạt động Giáo dục Lịch sử địa phương tại Đình Nhật Tân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Thu Hương

Tôi thấy, ở trường Tiểu học Nhật Tân có nhiều biện pháp để đưa nội dung giáo dục lịch sử địa phương trở nên gần gũi, hấp dẫn hơn với các em học sinh. Qua đó, nhằm trang bị cho các em những hiểu biết về nơi mình sinh sống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức tìm hiểu truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương. Hay như, tại bia tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Văn Mậu ở Không gian Văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ (phố Trịnh Công Sơn, phường Nhật Tân) trường Tiểu học Nhật Tân tổ chức tiết dạy lịch sử địa phương cho học sinh khối 4 và 5.

Tiết lịch sử địa phương do được thực hiện tại bia tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Văn Mậu. Trước khi bắt đầu tiết dạy, cô giáo các em học sinh đã dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Văn Mậu.

Để các em bước vào tiết học với tinh thần thoải mái, hào hứng nhất, cô giáo đã cho các em khởi động bằng một bài hát tập thể “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ bài hát này, cô đặt ra nhiều câu hỏi để các em tìm hiểu kiến thức về người nhạc sĩ tài hoa như: quê quán, tác phẩm sáng tác, giải thưởng ông đạt được...

Vậy là, để chuẩn bị cho bài học, các em học sinh cũng mang đến những bức hình về cầu Nhật Tân, con đường có hàng cây trồng hữu nghị tại phố Trịnh Công Sơn... Giáo viên đã giải đáp cặn kẽ cho các em thông tin trong bức ảnh gắn với những sự kiện chính trị của quận Tây Hồ và TP Hà Nội diễn ra trong năm 2023.

Thiết nghĩ, cách giáo viên truyền đạt kiến thức về con phố mang tên Trịnh Công Sơn rất dễ hiểu. Từ khi còn là con đường hoang sơ cho đến bây giờ, khi đã trở thành con đường đẹp và lãng mạn của Thủ đô với những khu phố sầm uất – nơi thu hút khách du lịch bốn phương, dẫn dắt học sinh đến mục đích của bài học: giới thiệu bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Mậu và câu chuyện về người liệt sĩ trẻ tuổi, kiên trung, bất khuất – người con của quê hương Nhật Tân, thật hợp lý, sinh động.

Thông qua câu chuyện, cô giáo đặt ra cho học sinh những câu hỏi để các em suy nghĩ, trả lời theo ý hiểu của mình.

Có thể thấy, tiết dạy về lịch sử địa phương trên là tiết học "truyền cảm hứng" bởi cô đã tạo ra bầu không khí thoải mái, khuyến khích và tạo tâm thế tốt để học sinh tiếp thu kiến thức. Nhờ vậy, giờ học của cô luôn nhận được sự hưởng ứng, tương tác tích cực, tự giác từ phía học sinh. Cũng chính từ đó, bài học lịch sử không còn là kiến thức khó nhớ đối với các em. Phương pháp, cách giáo dục này cần được lan tỏa.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/boi-dap-tinh-yeu-que-huong-qua-nhung-bai-hoc-lich-su-363758.html