BỒI ĐẮP TÌNH YÊU VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CHO GIỚI TRẺ

Người trẻ có quay lưng với văn hóa truyền thống (VHTT)? Đó là câu hỏi lớn và cũng là chủ đề của nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo do các nhà trường, trung tâm văn hóa ở TP Hồ Chí Minh tổ chức. Trả lời câu hỏi này, không ít bạn trẻ thẳng thắn nhìn nhận: Giới trẻ không quay lưng với VHTT, nhưng ít được tiếp cận và thiếu hiểu biết cần thiết về VHTT nên nhiều người bàng quan, chưa yêu thích.

Câu trả lời ấy không chỉ đặt ra vấn đề là vì sao giới trẻ thiếu hiểu biết về VHTT, mà còn gợi mở vấn đề lớn là làm gì để bồi đắp VHTT cho giới trẻ?

Trung tướng Lê Nam Phong, một vị tướng trưởng thành từ trận mạc, dù chẳng có học hàm, học vị gì cao siêu nhưng ông đã tham gia giáo dục VHTT rất hiệu quả. Mấy năm trước sức còn khỏe, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đi kể chuyện về truyền thống anh hùng của dân tộc, của quân đội cho thanh niên, học sinh nghe; Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông nói chuyện về sự lãnh đạo tài tình của Đảng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông là nhân chứng tái hiện thời khắc hào hùng, thiêng liêng khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc dinh Độc Lập… Nghe ông kể chuyện, hàng nghìn học sinh, sinh viên im phăng phắc, chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời. Và ông tâm đắc: Vậy là buổi nói chuyện thành công.

 Ảnh minh họa. TTXVN.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Đem câu chuyện đó kể với TS Phạm Đăng Khoa, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP Hồ Chí Minh), anh chia sẻ: “Những điều Trung tướng Lê Nam Phong làm chính là giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc, niềm tự hào dân tộc, tinh thần dũng cảm, đoàn kết của người Việt Nam… Hay nói cách khác, đó chính là bồi đắp tình yêu VHTT cho giới trẻ. Ngày nay, những người trẻ có quá nhiều lựa chọn, nên bồi đắp tình yêu VHTT cho họ cũng phải có cách làm mới mẻ, đơn giản nhưng hấp dẫn và dễ tiếp thu, không nên hàn lâm quá!”. Nói rồi anh kể: Để giáo dục và bồi đắp VHTT cho học sinh, nhiều năm nay Trường THCS Lê Quý Đôn thường xuyên tổ chức các hoạt động, như: Hội thi biểu diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam; liên hoan hát ru, hát dân ca; sưu tầm giá trị, sản phẩm đặc trưng văn hóa vùng miền; thành lập câu lạc bộ hát chèo, cải lương, đờn ca tài tử… Nhà trường chủ động lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa dân tộc, con người Việt Nam vào các hoạt động tập trung; tổ chức chương trình ngoại khóa tại bảo tàng, di tích lịch sử, nhà rông, nhà dài của đồng bào dân tộc thiểu số; cho học sinh trải nghiệm, thử sức với các loại hình nghệ thuật dân tộc; mời chuyên gia văn hóa, nghệ nhân dân gian về nói chuyện, định hướng tư tưởng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, trân trọng giá trị văn hóa, nghệ thuật và phong tục tập quán vùng, miền cho học sinh…

Nhờ những cách làm mới mẻ, tự nhiên ấy mà học sinh hiểu hơn về giá trị VHTT, hình thành tình cảm trân quý, hào hứng và đam mê. Đó là sự thẩm thấu từ từ bằng những hình thức, biện pháp đa dạng, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.

Giới trẻ ngày nay không quay lưng với VHTT. Bồi đắp tình yêu VHTT cho thế hệ trẻ cũng không quá khó khăn, chỉ có điều phải biết lựa chọn cách nào để đạt được kết quả tốt nhất. Dân tộc trường tồn nhờ “dây neo” văn hóa, mà nền tảng là VHTT, đậm đà bản sắc dân tộc. Để giới trẻ biết yêu, biết quý và phát huy VHTT cần có cách tuyên truyền, giáo dục sáng tạo, phù hợp; chủ động đưa VHTT đến với giới trẻ bắt đầu từ các trường học, trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi… Có vậy, “dây neo" văn hóa mới vững bền và ngày càng phát triển.

CHÂU GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/boi-dap-tinh-yeu-van-hoa-truyen-thong-cho-gioi-tre-604715