Bối rối trước 'ma trận' tem an toàn
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng của Diễn đàn Hội quán Các bà mẹ cho biết, bản thân chị đã đi tới 42 tỉnh/thành trên cả nước để tìm hiểu về vùng trồng được quảng bá là rau sạch VietGAP.
“Bản thân tôi luôn có sự đề phòng và nghi ngờ các sản phẩm rau quả trên thị trường, kể cả những sản phẩm có chứng nhận VietGap. Bởi, khi đến những vùng trồng có chứng nhận VietGap, tờ giấy đó được cấp một lần rồi dùng mãi mãi, không có khâu kiểm soát. Từ những lý do đó, tôi không ngạc nhiên trước sự việc rau VietGap “dỏm” trà trộn vào siêu thị vừa qua”, chị Thúy nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), thời gian gần đây, dư luận vẫn râm ran về thông tin rau củ không rõ nguồn gốc biến hình thành rau chuẩn VietGap vào siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Điều này cũng đến từ những lỗ hổng trong công tác kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối thực phẩm. “Luật An toàn thực phẩm không quy định phải áp dụng quy trình Vietgap, Globalgap,…Luật Thương mại cũng không bắt buộc rau củ quả, hàng tươi sống phải có nhãn mác và truy xuất nguồn gốc. Đây là điểm khó cho các chợ đầu mối vì có muốn cũng không làm được”, bà Minh cho biết.
Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc bộ phận Kinh doanh tiếp thị, Công ty CP Quản lý & Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức cho biết mỗi ngày chợ có 2.300 tấn rau củ quả trái cây, lượng rau hằng ngày lớn hơn 1.300 tấn, trong đó 50% lượng quả từ Lâm Đồng gửi về. Theo quy trình nhập chợ, có đội kiểm soát những chủ hàng: đăng ký mã hàng, vùng chuyển, số điện thoại người cung cấp… vào sổ ghi chép để có thể truy xuất nguồn gốc. "99% thương nhân tại chợ tự mua bán và trao đổi hàng hóa trực tiếp với nhau. Chợ là nơi trung chuyển hàng hóa là chính. 9h tối là rau củ quả đã được tập kết ở chợ và khoảng 2 tiếng sau đã được vận chuyển đến các vùng tiêu thụ khác. 99% nông dân tự sản xuất, tự cung cấp cho các thương nhân ở chợ nên việc kiểm soát là rất khó khăn", ông Phương nói.
Theo ông Lý Hoàng Hải, Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, không thể kiểm soát được sản phẩm cuối cùng đối với rau, củ mà bắt buộc phải kiểm soát bằng quá trình sản xuất, tiêu chuẩn, vùng nguyên liệu. Việc test (xét nghiệm) trong phòng thí nghiệm rất mất thời gian (từ 3-5 ngày) và chi phí rất cao, còn test nhanh thì chỉ phát hiện ra dư lượng bảo vệ thực vật ở hàm lượng cao,nên kiểm soát sản phẩm ở khâu cuối cùng là không khả thi.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/boi-roi-truoc-ma-tran-tem-an-toan-post1479325.tpo