Bom tấn 'Thủy chiến đảo Hansan' không gây thất vọng

Ngoài việc khắc họa hình tượng Đô đốc Lý Thuấn Thần bám sát ghi chép lịch sử, bom tấn 'Thủy chiến đảo Hansan' còn ghi điểm nhờ trận đánh hoành tráng trên biển kéo dài 50 phút.

Là vị Đô đốc hải quân, chiến lược gia và anh hùng dân tộc có công lớn trong việc bảo vệ bờ cõi khỏi quân xâm lược Nhật Bản hồi thế kỷ 16, Lý Thuấn Thần được cả người dân Hàn lẫn Bắc Triều Tiên hết lòng kính trọng, tôn thờ.

Năm 2014, do đạo diễn Kim Ha Min cầm trịch, bộ phim Đại Thủy Chiến (Roaring Currents) kể về trận đánh Myeongnyang của ông sớm tạo nên cơn địa chấn phòng vé tại xứ kim chi, thiết lập nhiều kỷ lục ấn tượng rồi trở thành tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc có doanh thu nội địa cao nhất mọi thời đại.

8 năm sau thành công vang dội đó, phần phim thứ 2 mang tên Thủy chiến đảo Hansan: Rồng trỗi dậy (Hansan: Rising Dragon, viết tắt: Hansan) giờ đây mới chính thức trình làng khán giả. Lấy bối cảnh 5 năm trước các sự kiện ở Đại Thủy Chiến, bom tấn trên sẽ tái hiện lại một chiến tích khác cũng oai hùng chẳng kém “phép màu Myeongnyang”.

Năm 1592, để chuẩn bị cho kế hoạch chinh phục Trung Quốc, Mạc chủ Nhật Bản Hideyoshi Totoyomi liền sai các thuộc tướng kéo quân sang xâm lược bán đảo Triều Tiên. Chỉ trong 15 ngày, họ đã chiếm được phần lớn lãnh thổ, thậm chí còn tiến đến kinh đô Hán Dương khiến vua Triều Tiên phải bỏ chạy.

Ngỡ đâu xứ Phù Tang đã cầm chắc phần thắng, thế nhưng cái tên Lý Thuấn Thần cùng cuộc giao tranh ngoài khơi đảo Nhàn Sơn bỗng làm thay đổi cục diện cực kỳ ngoạn mục. Đánh chìm hạm đội tinh nhuệ nhất lẫn cắt con đường tiếp tế lương thực của địch, Đô đốc họ Lý nhanh chóng đẩy đối phương vào cảnh khốn đốn cũng như vực dậy tinh thần nơi binh sĩ Triều Tiên.

 Tác phẩm tái hiện trận thủy chiến quy mô bậc nhất lịch sử ngành hàng hải thế giới.

Tác phẩm tái hiện trận thủy chiến quy mô bậc nhất lịch sử ngành hàng hải thế giới.

Lăng kính lý thú về những nhân vật lịch sử

Khi nhắc tới Lý Thuấn Thần, không ít người vẫn lầm tưởng ngài ấy chỉ đơn thuần thiết kế nên Quy Bối thuyền (tàu mai rùa) huyền thoại. Tuy nhiên, trong mắt cộng đồng yêu thích lịch sử, vị anh hùng Triều Tiên thực tế còn vĩ đại hơn thế. Hiểu rõ điều đó, đạo diễn Kim Ha Min đã dùng ngôn ngữ điện ảnh để đem đến cho khán giả đại chúng nhiều lăng kính mới mẻ về danh tướng này.

Khác hẳn hình tượng quả cảm, dám lấy 13 chiến thuyền đối đầu với 133 tàu Nhật hay chẳng ngại đảm nhận vị trí tiên phong để khích lệ binh lính nơi Roaring Currents, Lý Thuấn Thần tại phần phim tiền truyện được khắc họa tựa một chiến lược gia đại tài. Do Ảnh Đế Park Hae Il thủ vai, nhân vật chính ghi điểm bởi cách tiếp cận vấn đề thận trọng, điềm tĩnh cộng thêm khả năng phán đoán tình huống chuẩn xác.

Chưa kể, Hansan cũng khai thác vài chi tiết lý thú xoay quanh sự nghiệp của Đô đốc họ Lý. Đơn cử, trước lúc thống lãnh thủy quân Triều Tiên, ngài ấy là tướng kỵ binh nên sở hữu vốn hiểu biết rất ít ỏi về lĩnh vực hàng hải. Nhờ tự học hỏi và kết hợp kiến thức binh thư với kinh nghiệm đi biển từ dân chài lưới, ông đã tạo ra nhiều chiến thuật quân sự độc đáo cho riêng mình.

Không hề ngốc nghếch, chủ quan khinh địch giống tuyến phản diện thường gặp ở các tác phẩm Hàn Quốc khai thác đề tài chiến tranh Triều Tiên - Nhật Bản, nhân vật lãnh chúa (daimyo) người Nhật của tài tử Byun Yo Han được tổ biên kịch xây dựng khá sát theo ghi chép lịch sử.

Là một trong "bảy ngọn giáo Shizugatake" (7 viên tướng tài giỏi, trung thành phục vụ dưới trướng Hideyoshi Totoyomi) lừng lẫy thời kỳ Chiến Quốc, Wakisaka Yasuharu rất giỏi mưu lược, am tường việc tác chiến trên biển và giàu tham vọng, luôn xem Lý Thuấn Thần như mối hiểm họa cần phải loại bỏ càng sớm càng tốt.

Đặc biệt, nếu tìm hiểu về lịch sử, bạn sẽ thấy sử sách chỉ đơn giản đề cập Wakisaka Yasuharu bất chấp đưa quân lao vào hạm đội phía Triều Tiên để rồi chịu kết quả thảm bại. Thế nhưng, ở bom tấn Hansan, đạo diễn Kim Ha Min đã đem tới lời lý giải thuyết phục cho quyết định tưởng chừng khó hiểu từ viên tướng kia.

 Hình tượng Đô đốc Lý Thuấn Thần lần này có sự khác biệt so với phần phim Đại Thủy Chiến.

Hình tượng Đô đốc Lý Thuấn Thần lần này có sự khác biệt so với phần phim Đại Thủy Chiến.

Hơn nữa, thay vì đưa người xem theo chân vị Đô đốc họ Lý, câu chuyện lần này lại gây bất ngờ khi được đặt dưới điểm nhìn của Wakisaka. Dẫu cẩn thận vạch ra chiến lược tấn công dựa trên các tin tức tình báo lẫn bản vẽ thiết kế Quy Bối thuyền, chỉ huy Nhật Bản vẫn đâu thể ngờ rằng mọi thứ đều nằm trong những gì mà Lý Thuấn Thần dự tính.

Nhờ lối dẫn dắt vừa rồi, bộ phim giúp khán giả không cảm thấy nhàm chán dù biết rất rõ kết quả chung cuộc.

Trận đại chiến mãn nhãn, đề cao tính chiến thuật

Với kinh phí sản xuất thuộc hàng khủng (khoảng 23 triệu USD) cùng thời lượng lên đến hơn 50 phút đồng hồ, cuộc chạm trán giữa 55 thuyền Triều Tiên và 73 tàu Nhật Bản ngoài khơi đảo Nhàn Sơn chỉ có thể tóm gọn qua 2 từ “hoành tráng”.

Sở hữu quy mô vượt xa “phép màu Myeongnyang” nơi Roaring Currents, Hansan chiêu đãi người xem bằng những cú máy toàn phô diễn độ khốc liệt của chiến tranh, các đại cảnh hành động được đầu tư kỹ lưỡng, huy động hàng trăm diễn viên quần chúng bên cạnh hiệu ứng cháy nổ mãn nhãn.

Đáng chú ý, trận Nhàn Sơn trên màn ảnh rộng gây ấn tượng mạnh khi chú trọng vào yếu tố chiến thuật. Đối với những ai yêu thích thể loại lịch sử/chiến tranh, thì việc Wakisaka dùng đội hình Ngư Lân để tốc chiến tốc thắng, áp sát thuyền chiến đối phương, hay cách Lý Thuấn Thần triển khai nhuần nhuyễn Hạc Dư trận (đội hình cánh hạc) để dẫn dụ quân Nhật vào bẫy đảm bảo sẽ làm họ thích thú.

Ngoài thế trận cánh hạc nổi tiếng, bom tấn tiền truyện còn giới thiệu tới người xem nhân tố đóng vai trò cũng quan trọng không kém, thậm chí gắn liền với tên tuổi danh tướng họ Lý. Đó chính là Quy Bối thuyền, khí tài chiến tranh độc nhất vô nhị thời Joseon được quân Nhật đặt cho biệt danh “quái vật biển”.

Do Lý Đô đốc cải tiến từ lớp thuyền Triều Tiên truyền thống (Panokseon), Quy Bối thuyền có thiết kế rất đỗi độc đáo. Vì tất cả chúng đều bị đánh đắm về sau và phần lớn tài liệu ghi chép cũng thất lạc, nên ê-kíp sản xuất đã kết hợp ý kiến của các nhà sử gia cùng trí tưởng tượng nhằm tái hiện lại chiếc tàu chiến này.

 Yếu tố chiến thuật được ê-kíp chú trọng khai thác và bám sát theo ghi chép lịch sử.

Yếu tố chiến thuật được ê-kíp chú trọng khai thác và bám sát theo ghi chép lịch sử.

Kết quả, Quy Bối thuyền phiên bản Hansan sở hữu tạo hình bắt mắt, vừa giống những câu chuyện truyền miệng, vừa mới lạ nhưng chẳng quá xa rời thực tế. Có phần thân làm bằng loại gỗ sồi cứng chắc, con thuyền hình mai rùa ấy đủ sức đâm thủng các tàu chiến đối phương vốn được đóng từ gỗ tuyết tùng nhẹ mà mỏng manh.

Cộng thêm phần mái che bao gồm nhiều tấm ván dày gắn vô số chông nhọn và khả năng trang bị hàng chục khẩu đại bác hạng nặng, “quái vật biển” hoàn toàn khắc chế lối đánh áp sát, cận chiến đặc trưng của hải quân Nhật đồng thời dễ dàng xé toạc đội hình địch.

Tuyến truyện phụ nhàm chán và gượng ép

Trái ngược cuộc đối đầu kịch tính giữa 2 vị chỉ huy Triều Tiên – Nhật Bản, dàn nhân vật phụ lẫn những tuyến truyện về họ thì khá mờ nhạt. Đơn cử, hành trình biến chuyển tâm lý, đổi phe nơi chàng võ sĩ đạo Joon Sa diễn ra quá vội vã, đôi lúc thậm chí còn mang cảm giác gượng ép, lộ rõ bàn tay sắp đặt từ tổ biên kịch để cố truyền tải thông điệp phản đối chiến tranh phi nghĩa.

Trong khi đấy, câu chuyện xoay quanh nàng điệp viên trá hình hầu gái Bo Reum giàu tiềm năng khai thác nhưng lại được kể quá sơ sài, làm lãng phí tài năng của nữ tân binh khủng long Kim Hyang Gi. Chưa kể, xung đột nội bộ giữa hai lãnh chúa Wakisaka và Kato Yoshiaki tưởng chừng sẽ rất hấp dẫn. Tuy nhiên, Hansan một lần nữa khiến khán giả hụt hẫng bởi cách giải quyết vấn đề không thể chóng vánh hơn.

Ngoài ra, việc đặt nặng tính chiến thuật, hạn chế cường điệu hóa tình tiết ở bom tấn tiền truyện cũng là con dao hai lưỡi nguy hiểm. Mặc dù giúp diễn biến trận đánh chân thực lẫn bám sát lịch sử, đồng thời dễ dàng chinh phục các fan phim sử thi/chiến tranh, trận đánh lần này bị thiếu sức nặng cần thiết khi đặt lên bàn cân với Roaring Currents.

Xuyên suốt 50 phút trình chiếu, cuộc giao tranh tại đảo Nhàn Sơn lần lượt đưa chúng ta qua hàng loạt cung bậc từ hồi hộp, căng thẳng cho đến phấn khích, ngoại trừ cảm động. Vì cả hai vị tướng đều dùng chiến lược để phân định thắng bại, nên tác phẩm vắng bóng những phân cảnh cận kề sinh tử, nhân vật chính rơi vào tình cảnh nghìn cân treo sợi tóc lấy đi nước mắt người xem đại chúng.

 Tài tử Byun Yo Han có màn hóa thân thành kẻ phản diện đáng nhớ.

Tài tử Byun Yo Han có màn hóa thân thành kẻ phản diện đáng nhớ.

Do đó, tựu trung, Hansan là bộ phim chất lượng, sở hữu bối cảnh, trang phục được đầu tư tỉ mỉ cùng bữa tiệc hành động cháy nổ chẳng thua gì Hollywood. Tuy nhiên, để hiểu được hết cái hay ở tác phẩm này, khán giả nên tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, cũng như một vài kiến thức quân sự trước khi ra rạp thưởng thức trận thủy chiến quy mô nhất nhì lịch sử ngành hàng hải thế giới.

Khánh Đặng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bom-tan-thuy-chien-dao-hansan-khong-gay-that-vong-post1349649.html