Bốn căn cứ quân sự Mỹ trở thành trung tâm kiểm dịch virus corona
Mỹ đã chỉ định 4 căn cứ quân sự phối hợp hỗ trợ cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) để giúp đỡ cách ly các công dân Mỹ có thể đã tiếp xúc với virus corona ở nước ngoài.
"Các quan chức của HHS đã yêu cầu Bộ Quốc phòng cung cấp một số cơ sở có khả năng chứa ít nhất 250 người trong các phòng riêng lẻ cho đến ngày 29/2 năm 2020", các quan chức cho biết.
Theo Military.com, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã chấp thuận yêu cầu của HHS cách ly khoảng 1.000 người có thể đã bị phơi nhiễm với loại virus chết người này khi đi ra nước ngoài.
Bốn căn cứ được sử dụng là Trung đoàn 168, Học viện Huấn luyện Khu vực ở Fort Carson, Colorado; căn cứ không quân Travis ở California; căn cứ không quân Lackland ở Texas; và Trạm không quân thủy quân lục chiến Miramar ở California. Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) cũng sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, vận chuyển và an ninh cho các công dân nằm trong các căn cứ.
"Nhân viên của Bộ Quốc phòng sẽ không được tiếp xúc trực tiếp với người di tản và người di tản sẽ không có quyền di chuyển vào bất kỳ vị trí cơ sở nào ngoài khu vực ở được chỉ định sử dụng để cách ly", các quan chức cho biết, Military.com đưa tin."
Theo hướng dẫn của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ), tất cả người di tản sẽ được theo dõi cách ly trong khoảng thời gian 14 ngày. Nếu xác định cá nhân bị bệnh, HHS sẽ làm thủ tục để chuyển họ đến bệnh viện địa phương.
Các quan chức cũng xác nhận rằng sử dụng các căn cứ làm trung tâm kiểm dịch sẽ không ảnh hưởng đến việc sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Nhân viên của Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với HHS hướng dẫn các trường hợp cách ly bảo vệ sức khỏe, hạn chế sự bùng phát của dịch virus corona và giảm thiểu rủi ro đến mức tối đa.
Ngoài những căn cứ quân sự trên, có khoảng 200 công dân Mỹ đã được sơ tán khỏi Trung Quốc và hiện đang bị cách ly 2 tuần tại căn cứ không quân March ở California.
Hiện tại, số người chết vì virus corona ở Trung Quốc tăng lên 425 người với 2.345 ca nhiễm mới cho tới hết ngày 3/2. Tổng số ca nhiễm virus trên toàn thế giới đã lên tới 20.625 ca.