Bốn nghi án gian lận bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đã có lời giải
Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội Mỹ không ngừng xuất hiện những 'nghi án' gian lận phiếu bầu, làm dấy lên câu hỏi về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Các hội đồng bầu cử tiểu bang sau đó đã nhanh chóng làm sáng tỏ các 'nghi án' này.
Lá phiếu được đánh dấu sẵn ở Kentucky
Ngày 4/11, trên mạng xã hội X xuất hiện hình ảnh một lá phiều bầu gửi qua thư đã được đánh dấu sẵn bên cạnh tên của Phó Tổng thống Kamala Harris trước khi đến tay một cử tri ở Kentucky. Chủ nhân bài đăng này nói rằng việc bỏ phiếu cho bất kỳ ai khác sẽ khiến lá phiếu trở nên vô hiệu, do mỗi cử tri chỉ được lựa chọn một ứng viên tổng thống duy nhất.
Bài đăng thu hút hơn 3 triệu lượt xem này cùng nhiều bình luận của cử tri Mỹ cáo buộc rằng đây là “một trong những trò gian lận bỏ phiếu kỳ lạ đang diễn ra". Tuy nhiên, Hội đồng bầu cử Kentucky đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời cho biết đã gửi đi 130.000 lá phiếu cho đến nay và chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào về việc các lá phiếu gửi qua thư có dấu in sẵn ở bất kỳ ô chọn ứng cử viên nào.
“Vì không ai trình lá phiếu được đánh dấu trước cho người quản lý bầu cử hoặc cơ quan thực thi pháp luật nên việc nói rằng có ít nhất một lá phiếu có thể có dấu in sẵn ở Kentucky hiện chỉ tồn tại trên mạng xã hội”, báo cáo này cho biết.
Hội đồng bầu cử cho biết thêm rằng đối với các lá phiếu gửi qua thư ở Kentucky, nếu có nhiều hơn một ứng cử viên được đánh dấu bằng mực thì lá phiếu vẫn được tính nếu cử tri khoanh tròn lựa chọn mà họ ưa thích.
Quy trình bỏ phiếu vắng mặt cho quân nhân Mỹ ở nước ngoài
Một bài đăng trên X tuyên cho rằng "Lầu Năm Góc được cho là đã không gửi phiếu bầu vắng mặt cho các quân nhân đang tại ngũ trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ" đã thu về 28 triệu lượt xem.
Bài đăng này cũng trích dẫn nội dung một lá thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin do ba thành viên đảng Cộng hòa viết, bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về "những thiếu sót" trong thủ tục bỏ phiếu cho quân nhân ở nước ngoài. Tuy nhiên, bức thư không cáo buộc Lầu Năm Góc không gửi cho quân nhân những lá phiếu vắng mặt.
Theo luật pháp Mỹ, Lầu Năm Góc không có trách nhiệm thực hiện việc này và quân nhân có thể bỏ phiếu ở nước ngoài thông qua Chương trình Hỗ trợ Bầu cử Liên bang (FVAP). Theo đó, các lá phiếu sẽ được gửi đến họ bởi các viên chức bầu cử ở địa phương nơi họ đã đăng ký bầu cử tại Mỹ.
Nếu lá phiếu có nguy cơ không đến trước thời hạn, các quân nhân có thể thực hiện quyền lợi bầu cử thông qua FWAB (tạm dịch: Lá phiếu vắng mặt dự phòng liên bang).
Bức thư khẳng định một số lượng không xác định quân nhân đã yêu cầu được cung cấp FWAB nhưng các căn cứ quân sự của họ từ chối với lý do đã hết phiếu bầu loại này. Tuy nhiên, các quân nhân cũng có thể bỏ phiếu FWAB bằng cách truy cập vào trang web chính thức của FVAP.
Hiện Bộ Quốc phòng chưa bình luận về vấn đề này nhưng cho biết, trước thời điểm diễn ra bầu cử, có khoảng 3.000 cán bộ được đào tạo để hỗ trợ người dân Mỹ trong quá trình bỏ phiếu.
"Những người bỏ phiếu bất hợp pháp" ở Pennsylvania
Các quan chức tại tiểu bang Pennsylvania của Mỹ đã bác bỏ tuyên bố rằng "những cử tri bất hợp pháp" đã có thể nộp đơn xin bỏ phiếu và bỏ phiếu tại một văn phòng bầu cử ở quận Allegheny, Pennsylvania. Trước đó, một số bài đăng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy "một số người bỏ phiếu bất hợp pháp" được hướng dẫn tới một lối đi khác trong khi những cử tri Mỹ khác vẫn đang xếp hàng chờ đợi để bỏ phiếu.
Các viên chức quận Allegheny xác nhận với đài BBC rằng nhóm người này đến đây để nộp đơn xin bỏ phiếu qua thư, đồng thời khẳng định rằng chỉ có công dân Mỹ mới có thể đăng ký bỏ phiếu. Những người không phải công dân Mỹ không được phép bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang và các nghiên cứu cho thấy những trường hợp như vậy cực kỳ hiếm.
Máy bỏ phiếu bị lỗi ở Kentucky
Tờ Lexington Herald-Leader dẫn lại đoạn video dài 16 giây được đăng vào ngày 31/10 - thời điểm diễn ra kỳ bỏ phiếu sớm đầu tiên tại bang Kentucky. Nội dung đoạn video cho thấy một cử tri đã chạm vào màn hình máy đánh dấu phiếu bầu để chọn tên của ông Donald Trump - ứng cử viên của đảng Cộng hòa nhưng máy không phản hồi. Sau một vài lần thử lại, thay vì chọn đúng tên ông Trump, máy lại sáng lên ở ô bên dưới có tên bà Kamala Harris. Được biết, đoạn video được quay tại một điểm bỏ phiếu ở thành phố London, hạt Laurel, bang Kentucky.
Video cho thấy cử tri tại bang Kentucky chọn ông Trump nhưng máy đánh dấu phiếu bầu lại nhảy sang tên bà Harris - Ảnh: Lexington Herald-Leader/X
Một bài đăng khác có 7 triệu lượt xem đăng kèm một video tương tự với tuyên bố: "Máy bỏ phiếu ở Kentucky đang thực sự thay đổi phiếu bầu từ ông Donald Trump sang bà Kamala Harris. Đây là sự can thiệp vào cuộc bầu cử".
Các quan chức bầu cử sau đó đã xác nhận rằng những máy bỏ phiếu này đã gặp trục trặc, đồng thời cho biết đây chỉ là sự cố riêng lẻ và cử tri vẫn có thể bỏ phiếu như dự định. Chiếc máy nói trên đã bị dừng hoạt động cho đến khi được sửa chữa. Chỉ trong ngày, Văn phòng Thư ký hạt Laurel đã đăng một video lên Facebook cho thấy chiếc máy vẫn hoạt động bình thường.
Ông Joseph Greaney, một chuyên gia về bỏ phiếu tại trang web bầu cử Ballotpedia của Mỹ, cho biết: "Trong một cuộc bầu cử có quy mô lớn như thế này, luôn có một số vấn đề phát sinh. Có thể chỉ có một hoặc hai máy gặp trục trặc như vậy nhưng mọi người đang suy diễn chúng thành những vấn đề lớn hơn. Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng đây là những sự cố riêng lẻ, đã được phát hiện và khắc phục".