Bòn rút của người nghèo

Đưa tên người thân vào danh sách hộ cận nghèo để nhận hỗ trợ. Việc làm đáng xấu hổ này của một số cán bộ xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa vừa bị phát hiện.

Địa phương này cũng là nơi "nổi tiếng" trong những ngày qua khi bắt các hộ nghèo ký cam kết không nhận tiền hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Nói thật, kiểu bòn rút này không mới mẻ gì, đã từng xảy ra ở nhiều địa phương. Điều khó hiểu là nó lại dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng trong cả thời gian dài, trong khi chỉ cần hỏi người dân là họ biết ngay ai là người nhà của cán bộ xã.

Chính sách chăm lo cho người nghèo của quốc gia ngày càng hoàn thiện, mức hỗ trợ ngày càng tốt nên không ít người nảy lòng tham với những khoản này. Để vào danh sách này phải có đủ điều kiện rõ ràng nhưng danh sách hộ nghèo, cận nghèo do chính cán bộ địa phương xét duyệt nên khi họ đưa người nhà vào sẽ khá dễ dàng. Tất nhiên, khi những người này giành phần thì người nghèo thực sự sẽ mất quyền lợi. Chúng ta không lạ gì khi dê, bò của hộ nghèo "lạc" vào nhà cán bộ xã, tiền hỗ trợ thì rơi vào tay người khấm khá.

Cũng chiêu trò trục lợi chính sách này nhưng tinh vi hơn, cách đây không lâu, cán bộ một xã của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình còn đưa tên mình và người thân vào sổ hộ nghèo của người khác. Có tên chính thức trong hộ nghèo thì được hưởng chính sách rất "bền vững"; từ hỗ trợ vì bão lụt, miễn giảm các khoản đóng góp cho đến giao đất sản xuất... Các cơ quan chức năng địa phương cũng không phát hiện trong cả thời gian dài. Đến khi người dân tố cáo, tổ chức thanh tra mới phanh phui ra cả một danh sách dài liên quan đến nhiều đời lãnh đạo xã.

Chúng ta đang vận hành rất tốt các chính sách cho hỗ trợ, chăm sóc cho người nghèo, người kém may mắn. Nếu cán bộ thực thi toàn tâm toàn ý thì các chính sách này ngày càng phát huy tác dụng và nêu được tính ưu việt của công tác quản trị quốc gia. Ngược lại sẽ làm người nghèo thêm tủi phận, đánh mất ý nghĩa của sự tương trợ xã hội và tạo mối nghi ngờ vào sự trong sạch của những người thừa hành chức trách.

Lãnh đạo UBND TP HCM vừa chỉ đạo xử lý vụ sai phạm xảy ra ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. Thời gian qua, một số cán bộ, nhân viên của trung tâm này bán một lượng lớn hàng hóa được các nhà từ thiện tặng trung tâm chia nhau 760 triệu đồng. Số tiền này không phải là lớn so với các vụ sai phạm khác nhưng lại tạo dư luận xã hội rất dữ dội và chắc chắn làm ảnh hưởng lớn đến sự tín nhiệm của các nhà hảo tâm.

Không còn cách nào khác, muốn chấn chỉnh cán bộ sai phạm, nhất là việc trục lợi chính sách hỗ trợ người nghèo, người yếu thế thì phải xử lý thật nghiêm minh.

Gia Khang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bon-rut-cua-nguoi-ngheo-20200517225744055.htm