Bóng cỏ

Anh sẽ về quê kiểng/ Nằm xoài trên cỏ non/ Mặt không cần úp nón/ Nhấm giọt mưa đầu nguồn...

QĐND - Anh sẽ về quê kiểng

Nằm xoài trên cỏ non

Mặt không cần úp nón

Nhấm giọt mưa đầu nguồn

Ngày trong trong mắt buồn

Nắng trổ ngồng hoa cải

Màu dưa vàng đáy vại

Giấm mặt trời qua đêm

Hăng hăng đám cỏ mềm

Bãi sông chiều mướt sóng

Nắng cuối ngày chín mọng

Rụng xuống đồng trống trơn

Vạt mưa chừng xanh hơn

Khi chạm vào bóng cỏ

Xa nhà đến cả gió

Cũng lần hồi lang thang

Anh sẽ về xóm nhỏ

Nơi cỏ xanh bóng làng...

HOÀNG TRẦN CƯƠNG

10-1991

Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI:

Thấp bé nhất trong các loài cây, là loài cỏ. Hơn thế, loài cỏ ở cảnh thơ này lại là loại cỏ có thể: Nằm xoài trên cỏ non, thì hẳn đó là cỏ mật cỏ môi có thân thấp bé nhất. Ấy vậy mà cái “bóng” của cỏ còn được dùng làm tiêu đề và được hình dung khái quát: Nơi cỏ xanh bóng làng...

Nắng cuối ngày chín mọng

Rụng xuống đồng trống trơn...

Hình ảnh một miền quê hiện lên cho thấy sự khô cằn, hoang hóa. Nắng chín mọng, thật gợi cảm, thi vị và đồng thời hình ảnh đó mang dư ảnh của sự khắc nghiệt, cũng mang chút ít hy vọng gieo vãi cho cánh đồng hoang hóa. Mảnh đất ấy, tinh thần sống ấy đã biết nuôi con người trong cách sống bền dai, biết thi vị hóa cuộc sống và biết cưu nương lấy từng hy vọng sống, dù là nhỏ bé khiêm nhường nhất. Cưu nương với từng bóng cỏ! Bởi vậy, cảnh nghèo khổ không những không vùi dập ý chí vươn lên của con người, ngược lại thêm hun đúc cho họ sức sống kiên cường, mãnh liệt:

Màu dưa vàng đáy vại

Giấm mặt trời qua đêm...

Màu dưa được hình dung với màu vàng sáng của ánh nắng, muối dưa thì được coi như là “giấm mặt trời”-Quả là một biểu tượng mang một cường lực sống thật lớn lao. Bởi thế, cảnh gian lao, nghèo khổ của con người hiện ra trong thơ Hoàng Trần Cương không là một đè níu, tù túng mà vượt lên, hồn thơ ông mang một tinh thần giải thoát mạnh mẽ. Đời sống đã được thiêng hóa, thi vị hóa qua những câu thơ rất giàu hình ảnh, những câu thơ không chỉ mang tính đặc trưng tiêu biểu cho một bút pháp, nó còn thể hiện sáng tỏ một tư cách, nhân cách tác giả cũng như của con người miền quê ấy.

Bóng cỏ - Một hồn thơ tha hương, “đoái nhìn cố quận” bằng một biệt nhãn, mang khả năng họa âm hình vào trong cảnh vật, ngỡ ngọn bút này có thể bứt “rụng” màu sắc, khiến nó vang lên một cường lực đầy sức dẫn dụ con người. Chính từ điểm “biệt nhãn” đó, những gì ở lại với quê, như “nắng” thì chín mọng, “mưa” thì là mưa xanh và đôi dạng dưỡng chất này đều chung sức bồi tụ cho cánh đồng quê. Ngược lại, cũng một dạng dưỡng chất, là “gió”, khi theo bước người tha phương, thì “gió” cũng phải chịu cảnh lần hồi lang thang... Qua đó cho thấy, chỉ với hai chữ "lần hồi", “gió”-đã đồng mang cung cách lao động của con người.

Thơ ấy, cho khoảng không-hư không thể tính và thấm đẫm chất liệu đời sống.

*****

Bình thêm: Phật giáo xem tứ đại: Thủy, hỏa, phong, thổ là 4 vật chất cơ bản tạo nên cõi sống thế gian. Rất có thể Hoàng Trần Cương cũng mượn 4 dạng vật chất này để cấu tạo hình ảnh biểu tượng cho không gian thơ Bóng cỏ? Đó là sự tương ứng giữa các hình ảnh: nắng - hỏa; mưa - thủy; gió - phong; và, cánh đồng - thổ.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/bong-co-254283