Bóng đá châu Âu tổn thất nặng vì Covid-19
Không chỉ ra lệnh phong tỏa toàn vùng Lombardy, Chính phủ Ý còn quyết định hoãn tất cả các giải thể thao hoặc chỉ được tổ chức trên sân không có khán giả đến tận ngày 3-4, vì dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 đang lây lan mạnh khắp châu Âu, đặc biệt bùng phát mạnh tại Ý, nơi đã có trên 5.000 ca lây nhiễm và 233 trường hợp tử vong. Nhiều biện pháp mạnh đã được thực thi, trong đó, Chính phủ Ý cảnh báo người dân không đến hoặc rời đi từ tâm điểm vùng dịch Lombardy - bao gồm Milan, Bergamo - cùng với 11 tỉnh, thành ở 4 khu vực khác.
Chủ tịch Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Ý (AIC) Damiano Tommasi kêu gọi dừng ngay các trận đấu bóng đá trên toàn lãnh thổ quốc gia vùng Nam Âu này. Trên trang Twitter của hiệp hội, ông viết: "Hãy dừng ngay giải đấu! Liệu chúng ta có thể làm gì khác ngoài việc dừng ngay các trận bóng đá?".
Người đứng đầu AIC cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những rủi ro khi các cầu thủ phải đối mặt trên sân cỏ thời điểm hiện tại khi chẳng ai có thể bảo đảm được khoảng cách tối thiểu 1 m giữa các cầu thủ để phòng lây nhiễm khi thi đấu. Ngoài cầu thủ, những thành phần khác của đội bóng như ban huấn luyện, nhân viên y tế… cũng có nguy cơ lây nhiễm cao khi có mặt trên sân.
Phản ứng của AIC nhằm vào Liên đoàn Bóng đá Ý (FIGC) khi Chủ tịch Gabriele Gravina cho biết kể cả khi có một hay nhiều hơn các cầu thủ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 thì Serie A cũng không vì thế mà bị đình chỉ tổ chức. Theo FIGC, cần bình tĩnh thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho cầu thủ, kết hợp việc xem xét những tác động có thể có đối với thi đấu. Loạt 6 trận Serie A cuối tuần trước đã bị hoãn nhưng lại được phép diễn ra trên sân không có khán giả tối 8-3, trong đó có trận derby d’Italia giữa Juventus và Inter Milan ở Turin.
Không riêng ở Ý, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức... cũng đang rất lo lắng vì không có thời gian để tổ chức đá bù nếu như phải hoãn các trận đấu. Nhiều ý kiến cho rằng các LĐBĐ quốc gia, kể cả UEFA, đối với 2 giải Champions League và Europa League, phải tính tới phương án hỗ trợ tài chính cho các đội bóng do không còn nguồn thu từ việc bán vé.
Ngày 10-3 sắp tới đây, các hiệp hội, liên đoàn thể thao tại Anh sẽ cùng với những nhà sản xuất truyền hình ngồi lại với chính phủ, thảo luận về một loạt kịch bản cho tất cả các môn thể thao với hy vọng đạt được thỏa thuận về kế hoạch bảo vệ công chúng, tất nhiên có lưu ý đến quyền lợi của các nhà tài trợ, các đơn vị quảng cáo.
Ban tổ chức Premier League đã nghiêm cấm việc bắt tay giữa cầu thủ và giữa các quan chức trước trận đấu. Liverpool không cho phép các em nhỏ ra sân cùng với cầu thủ 2 đội tại sân Anfield, còn các HLV của Newcastle cho rằng tốt nhất là các đội bóng phải chấp nhận chơi trong sân không khán giả thay vì hoãn hoặc hủy giải. Nhiều sân còn mở cửa cũng đã khuyến cáo các khán giả trên 70 tuổi nên ngồi nhà, trong đó, không có ngoại lệ cho vị HLV 72 tuổi Roy Hodgson của Crystal Palace!