Bóng đá đánh vật với COVID-19

Chưa bao giờ bóng đá toàn cầu rơi vào hoàn cảnh oái oăm đến thế này! - Vua bóng đá Maradona sau thời gian 'vật vã vì chẳng có gì để xem' đã phải thốt lên như vậy. Quả thật, khi 'bóng ma' COVID-19 đang đe dọa trở lại từ Bắc Kinh thì giới bóng đá càng... thất kinh.

Mới đây, khi văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới bày tỏ lo ngại về làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19, hàng loạt liên đoàn bóng đá lại cảm thấy… khó thở. Với các giải Anh, Ý, Tây Ban Nha, vì COVID-19 mà dừng đá khiến nhiều câu lạc bộ thất thu đến triệu USD thì đã đành. Các quốc gia Đông Nam Á, thậm chí “ngạo nghễ” như Việt Nam cũng không tránh khỏi tổn thương. Thậm chí tổn thất không chỉ tính bằng tiền khi mà ai cũng biết, ở Việt Nam, hành trình của đội tuyển quốc gia được nâng tầm vượt khỏi ngưỡng thể thao đơn thuần.

Ở Thái Lan, huấn luyện viên trưởng người Nhật đã chủ động xin giảm lương để chia sẻ cùng Liên đoàn Bóng đá Thái. Nhiều câu lạc bộ sau một thời gian gồng mình trả lương cho các ngôi sao đã chọn cách cắt bớt. Còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu.

Tại Việt Nam, ở cấp độ câu lạc bộ, hàng loạt đội bóng sau khi họp với cầu thủ đã thống nhất giảm lương với cầu thủ như một hình thức chia sẻ khó khăn. Tại đội tuyển, đại diện ông Park khi được hỏi về việc có giảm lương để chia sẻ cùng Liên đoàn Bóng đá trong những tháng mà bóng đá không diễn ra hay không, vị này đã khẳng định cứ đúng hợp đồng mới, mức lương mới mà làm. Hẳn nhiên, VFF sẽ phải tôn trọng và trả lương đủ cho ông Park Hang-seo thôi. Vì đó là chuyên nghiệp và việc giảm lương hay không là từ tâm mà.

Cũng tốn nhiều tiền phết!

Và may sao, bóng đá đã trở lại. Các đội bóng được thi đấu trở lại, VFF lẫn VPF đều mừng rỡ. Vì chỉ có thi đấu trở lại, các khoản tài trợ mới được giải ngân. Vì chỉ có thi đấu trở lại, cả bộ máy mới có việc mà làm chứ bằng không thì…

Valencia (Tây Ban Nha) và Atalanta (Ý) chơi một trận đấu tại Champions League không có khán giả vì COVID-19. Ảnh: Getty

Valencia (Tây Ban Nha) và Atalanta (Ý) chơi một trận đấu tại Champions League không có khán giả vì COVID-19. Ảnh: Getty

Thậm chí, thể thức thi đấu ở giải quốc nội cũng đã thay đổi để các cầu thủ có thể tập trung cho vòng loại World Cup và AFF Cup - chiếc cúp, giải đấu rất quan trọng với niềm vui của nhân dân ở thời điểm này. Hẳn nhiên, nó cũng quan trọng không kém với nhiều người làm bóng đá hoặc có liên quan đến bóng đá.

Thông tin kiểu “biến nguy thành cơ” càng trở nên hấp dẫn khi mà ở vòng loại World Cup, đối thủ khó nhằn UAE đang rơi vào nghịch cảnh. Giải quốc nội hủy khi có đến 12 đội bóng không đồng ý thi đấu tiếp.

Mà khổ nỗi, các tuyển thủ UAE đa phần đều thi đấu ở giải quốc nội, như Việt Nam. Nên coi như từ ngày 15.3, ngày giải đấu tạm hoãn đến nay họ chẳng hề có cơ hội để thi đấu. Duy trì nền tảng thể lực đã là quá khó chứ đừng nói đến chuyện nâng cao phong độ.

Nhưng đã “xui lại còn đen”, có lẽ cũng vì COVID-19 nên Liên đoàn Bóng đá UAE đã chấm dứt hợp đồng với HLV Ivan Jovanovic, dù chiến lược gia người Serbia chưa dẫn dắt đội tuyển này ở bất cứ trận đấu chính thức nào. Giờ, mức lương được treo là 12 triệu USD/năm nhưng UAE vẫn chưa có người cầm quân.

Mọi chuyện đang tốt dần lên, thì… WHO lại cảnh báo về viễn cảnh COVID-19 hoành hành tập hai, khi mà hàng loạt quốc gia trên thế giới lại xuất hiện ca nhiễm mới. Nhưng ớn nhất chính là, anh hàng xóm “môi răng” Trung Quốc cũng nâng cấp độ quan tâm vì dịch khi mà Bắc Kinh đang liên tục phát hiện ca nhiễm mới. Tại TP.HCM, đường hàng không cũng cho hay đã phát hiện ca nhiễm mới. “Kinh cung chi điểu”, bóng đá thế giới lẫn bóng đá Việt như con chim trúng tên sợ cành cây cong.

Giờ thì những người làm bóng đá lại nơm nớp bởi khó khăn lắm bóng đá Việt mới được cho phép thi đấu trở lại. Ngộ nhỡ… thì toang thật chứ chẳng đùa.

Bởi, xin nhắc lại, bóng đá không chỉ là bóng đá.

Tất Đạt

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bong-da-danh-vat-voi-covid-19-24184.html