Bóng đá Đông Nam Á chia ngả buồn vui ở VCK U23 CHÂU Á 2024

Kết thúc vòng bảng, 2/4 đại diện Đông Nam Á giành quyền vào tứ kết VCK U23 châu Á 2024. Nhiều dấu hiệu tích cực được tạo ra, song cũng có không ít thất vọng với các đội bóng đến từ khu vực đông dân, chiếm 14,2% dân số châu Á.

Bất ngờ đã được tạo ra ở lượt đấu cuối bảng C VCK U23 châu Á 2024, và theo cái cách ít người nghĩ tới. Trong khi U23 Iraq gây sốc với chiến thắng trước U23 Saudi Arabia, U23 Thái Lan cũng khiến tất cả ngạc nhiên với thất bại trước U23 Tajikistan. Đại diện Đông Nam Á từng gây ấn tượng mạnh ở loạt trận mở màn, khi giành trọn 3 điểm trước U23 Iraq, nay rơi xuống vị trí cuối bảng, và bị loại.

U23 Việt Nam và U23 Indonesia là 2 đại diện còn lại của Đông Nam Á tại VCK U23 châu Á 2024. Ảnh: Anh Đoàn

U23 Việt Nam và U23 Indonesia là 2 đại diện còn lại của Đông Nam Á tại VCK U23 châu Á 2024. Ảnh: Anh Đoàn

Đây là kỳ thứ 4 liên tiếp Thái Lan rời cuộc chơi từ sớm, và vẫn chưa một lần góp mặt ở vòng knock-out giải đấu dành cho lứa tuổi U23. Từ trước đến nay hầu hết đều mặc định xứ chùa tháp là nền bóng đá tốt nhất khu vực, từ cấp độ đội tuyển xuống đào tạo trẻ. Điều này có thể phải xem xét lại, nhất là khi màn trình diễn đáng thất vọng trước U23 Tajikistan đã cho thấy các hạn chế của họ, bao gồm lối chơi rời rạc và sự sa sút về mặt tinh thần khi mọi thứ không còn như mong đợi.

Cùng bị loại với U23 Thái Lan còn có U23 Malaysia. Nhìn lại các màn trình diễn của Những chú hổ Malaya, người hâm mộ chỉ có thể cảm thán, rằng họ không thuộc về sân chơi tầm châu lục.

Bên cạnh chất lượng chuyên môn thấp, U23 Malaysia còn mang đến sự chán nản với sự vô kỷ luật, thói quen phạm lỗi, thậm chí bạo lực, để rồi đưa đội bóng của mình vào thế khó. Chỉ trong 2 trận đầu tiên, U23 Malaysia thực hiện tới 25 tình huống phạm lỗi, nhận 8 thẻ vàng và chịu 2 quả phạt đền tai hại, phá hỏng những hy vọng trước đó.

Tuy nhiên, vấn đề của U23 Malaysia cũng là hiện trạng chung của bóng đá Đông Nam Á. Như chính HLV Hoàng Anh Tuấn đã chỉ ra sau thẻ đỏ của Ngọc Thắng khiến U23 Việt Nam mất người ở trận ra quân. Đó không phải sai lầm, mà là thói quen, hình thành từ môi trường bóng đá trong nước. Để phát triển và tiến gần đến những nền bóng đá tiên tiến cần thay đổi từ gốc rễ và đẩy nhanh quá trình chuyên nghiệp hóa toàn khu vực ASEAN.

Tin tốt là trong nỗ lực vươn lên vẫn có những điểm sáng. Lần thứ hai liên tiếp, cũng là lần thứ 3/5 lần tham dự, U23 Việt Nam tiến vào vòng knock-out của VCK U23 châu Á. Dù vẫn còn nhiều điều phải hoàn thiện, từ lối chơi đến tâm lý thi đấu, song chiến tích của Việt Nam đã giúp Đông Nam Á không tụt lại quá xa ở sân chơi châu lục.

Cùng với đó là U23 Indonesia. Ở lần đầu tiên góp mặt, thầy trò HLV Shin Tae-yong đã làm nên lịch sử khi tiến vào tứ kết. Không những vậy, họ còn gây ấn tượng mạnh bởi thứ bóng đá hiện đại và đầy lôi cuốn. Dù thua chủ nhà Qatar ở trận mở màn nhưng sau đó, U23 Indonesia đã trở lại mạnh mẽ, quật ngã cả U23 Australia lẫn U23 Jordan được đánh giá cao hơn.

Qua đây, đội bóng xứ vạn đảo cũng đưa ra gợi ý tốt cho các quốc gia khác trong khu vực về cách làm bóng đá. Trong nhiều năm họ kiên trì theo đuổi một triết lý xuyên suốt, đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, sau đó tạo nên sự kết hợp hoàn hảo giữa các tài năng bản địa và những cầu thủ sinh ra bên ngoài lãnh thổ.

Bỏ qua những lời ì xèo về việc nhập tịch ồ ạt, việc tận dụng nguồn lực chất lượng mang quốc tịch kép là xu thế của bóng đá thế giới. U23 Indonesia đang làm rất tốt và tạo ra những đổi thay tích cực.

Cuộc chơi vẫn tiếp tục và với tinh thần lên cao, U23 Indonesia cùng U23 Việt Nam có thể tạo nên bất ngờ. Nếu điều đó xảy ra, người hâm mộ Đông Nam Á có lý do để ăn mừng, dù điều đó không phải lời khẳng định nền bóng đá của khu vực đang đi lên.

Đây là kỳ thứ hai, sau VCK U23 châu Á 2018, có hai đại diện Đông Nam Á đi tới vòng knock-out. Ở lần trước, U23 Việt Nam và U23 Malaysia đều góp mặt ở tứ kết, nhưng chỉ cái tên đầu tiên tiến xa hơn (vào tới chung kết).

THANH HẢI

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bong-da-dong-nam-a-chia-nga-buon-vui-o-vck-u23-chau-a-2024-post1631519.tpo