Bóng đá Singapore vẫn loay hoay
Ông lớn một thời của bóng đá khu vực, Singapore vẫn chưa lấy lại vị thế khi chiến lược phát triển tổng thể không thành công vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Với 4 lần vô địch AFF Cup, Singapore là ông lớn của bóng đá khu vực Đông Nam Á. Nhưng mọi chuyện chỉ còn là quá khứ khi trong một thập kỷ trở lại, đội tuyển đảo quốc sư tử sa sút không phanh và liên tục bị loại ngay từ vòng bảng.
Việc đứng ra đăng cai AFF Cup 2021 được cho là phản ánh tham vọng của Singapore trong việc lấy lại vị thế ở bóng đá khu vực. Tuy nhiên, đó vẫn là một hành trình dài.
Chật vật ở chiến lược
Chưa đầy 1 tháng trước khi AFF Cup khởi tranh, Giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Singapore (FAS) Joseph Palatsides quyết định từ chức. Nguyên nhân được giám đốc người Australia đưa ra là "sức khỏe" và "lý do cá nhân". Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, Palatsides nhậm chức trưởng học viện đào tạo bóng đá trẻ tại CLB Melbourne Vicotry.
Những người làm bóng đá Singapore hiểu rõ nguyên nhân sâu xa từ sự việc này.
Ông Palatsides được FAS bổ nhiệm cách đây 2 năm và mới được gia hạn hợp đồng thêm 2 năm cách đây 6 tháng. FAS kỳ vọng nhân vật này sẽ giúp Singapore có chiến lược phát triển bóng đá trẻ phù hợp, giúp đội tuyển này lấy lại vị thế khu vực, và hoàn thành mục tiêu tham dự World Cup 2034.
Ông Palatsides không hoàn thành nhiệm vụ. Đúng hơn, nhân vật này đã bỏ cuộc. "Ông ta không tạo ảnh hưởng ở bất kỳ cấp độ nào. Bóng đá Singapore tệ đi khi vắng Palatasides ư? Không đời nào", một chuyên gia bóng đá trẻ Singapore nói với Straitstimes.
Tờ báo hàng đầu Singapore đã liên lạc với 20 nhân vật bao gồm cựu HLV từng làm việc tại FAS, quan chức tại các CLB ở giải VĐQG nước này và cựu tuyển thủ để chấm điểm về thời gian làm việc của Palatsides tại Singapore. Chỉ 2 trong số này cho cựu giám đốc kỹ thuật người Australia trên 5 điểm. 2 người thậm chí từ chối trả lời.
Vấn đề lớn của Palatsides tại FAS là việc nhân vật này không thường xuyên xuất hiện vì ảnh hưởng của đại dịch. "Ông ta có thể có kế hoạch nhưng việc triển khai chúng trong thời gian qua là không khả thi", Noor Ali, cựu HLV Singapore chia sẻ.
Rhysh Roshan Rai, bình luận viên có tiếng tại đảo quốc sư tử coi việc FAS bổ nhiệm ông Palatsides và giao trách nhiệm phát triển bóng đá Singapore cho người đàn ông này là cú sốc. "Ông ta ký hợp đồng với chúng ta, xong làm việc tại nhà, và giờ từ chức ư? Thật sao?", Rai nói.
Trong tuyên bố chia tay, FAS ghi nhận "nỗ lực trong đào tạo trẻ" của Palatsides và việc ông giúp LĐBĐ nước này "xem xét và sửa đổi chương trình giảng dạy hiện có". Những lời lẽ xã giao này dĩ nhiên không đủ để che lấp thực tế: Palatsides không giúp ích gì cho bóng đá Singapore.
Bóng đá Singapore giờ làm lại từ đầu hay tiếp tục hành trình Palatsides đề ra? Câu trả lời là nhắm mắt đi tiếp với một Giám đốc kỹ thuật khác. "Singapore cần một giám đốc kỹ thuật cứng rắn, bởi ông ấy sẽ cần đảo ngược tình thế. Không thể tìm một người nói gì cũng gật đầu", một HLV nhấn mạnh.
Thành tích tệ hại
ĐT Singapore thi đấu không tốt trong những năm qua, nếu không muốn nói là tệ hại. Ở Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, Singapore nằm ở bảng D với Saudi Arabia, Uzbekistan, Palestine và Yemen. Đội bóng đảo quốc sư tử chỉ có 7 điểm với 2 chiến thắng trước Yemen và Palestine.
Hàng phòng ngự từng là niềm tự hào của Singapore bị phá tới 22 lần trong giai đoạn này. Cách đây vài ngày, Singapore vừa có trận giao hữu với Morocco và bị đại diện châu Phi hủy diệt với tỷ số 7-1 dù thành phần không có những ngôi sao đang thi đấu tại châu Âu.
Trên BXH FIFA lúc này, Singapore đang đứng thứ 160, không xa thành tích tệ nhất mọi thời đại (thứ 173, vào tháng 10/2017). Có nhiều lý do dẫn tới chuỗi sa sút khó tin này của bóng đá Singapore.
Người dân Singapore về cơ bản vẫn muốn theo dõi bóng đá. Một cuộc khảo sát vào năm 2019 cho biết 47% người được hỏi tiết lộ mình từng giả vờ chọn địa điểm nghỉ dưỡng chỉ để tới đó xem bóng đá.
76% đối tượng khảo sát lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình xung quanh các sự kiện thể thao, trong khi 46% thừa nhận từng thay đổi kế hoạch du lịch để không bỏ lỡ trận đấu bóng đá. Thậm chí, 13% người tham gia khảo sát cho biết họ thích xem bóng đá hơn là ăn tối với cha mẹ.
Tuy nhiên, việc chơi bóng đá với người dân Singapore thì không. Chia sẻ trên Storm, cây viết Thusitha de Silva tiết lộ các bậc phụ huynh tại đảo quốc sư tử muốn con cái mình học tập thay vì chơi thể thao.
Kỹ sư, bác sĩ, giáo viên đều hấp dẫn hơn cầu thủ chuyên nghiệp. Việc Singapore ngày càng bị bê tông hóa cũng khiến các sân chơi bóng đá giảm dần. Trẻ em tại đây muốn chơi bóng cũng khó có chỗ. Vài năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
NYtimes cho biết Singapore là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc chống dịch ở giai đoạn đầu khi giãn cách toàn quốc, đặt mua vaccine và tiêm phủ từ sớm. Tuy nhiên, đảo quốc sư tử gặp khó khi chuyển chiến lược từ "Zero Covid" sang "sống chung với Covid-19".
Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Lawrence Wong cho biết nhiều khả năng phải đến năm 2024, những biện pháp gồm đeo khẩu trang, hạn chế đi lại và giãn cách xã hội mới được dỡ bỏ.
Bóng đá dĩ nhiên chỉ là thứ yếu lúc này. Và nếu Singapore có tiếp tục sa sút trong công tác đào tạo trẻ lẫn thành tích của đội một thì đó cũng không phải điều quá bất ngờ khi các cầu thủ không có điều kiện tập luyện lý tưởng.
Chính sách nhập tịch cầu thủ từng giúp bóng đá Singapore gặt hái thành công trong thời gian 15-20 năm trước đã bị gỡ bỏ cách đây 10 năm. Trong suốt thời gian ấy, chỉ có vỏn vẹn 1 cầu thủ nhập tịch được FAS chấp nhận là tiền vệ Song Ui-young người Hàn Quốc.
Dĩ nhiên, với chỉ một người, Singapore khó lòng làm nên chuyện dù có lợi thế sân nhà tại kỳ AFF Cup 2021. Thời gian bóng đá đảo quốc sư tử hùng bá Đông Nam Á với Aleksandar Duric, Daniel Bennett, Shi Jiayi... chỉ còn chuyện của ngày hôm qua.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bong-da-singapore-van-loay-hoay-post1279199.html