'Bóng dáng' Tập đoàn Hoa Lâm tại VietBank
Hiện tại, nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch VietBank Dương Nhất Nguyên đang nắm giữ 11,89% vốn điều lệ nhà băng này. Chưa kể hàng loạt công ty con trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm - do mẹ ông Nguyên làm Chủ tịch, cũng đang nắm giữ vốn điều lệ tại ngân hàng này.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín -VietBank (mã: VBB) vừa công bố danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ. Đáng chú ý, danh sách này có tới 15 cổ đông tổ chức và 10 cổ đông cá nhân nắm trên 1% vốn điều lệ của VietBank.
Trong đó, ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VietBank và những người có liên quan trong gia đình là nhóm cổ đông nắm giữ số lượng cổ phiếu lớn nhất, với tỷ lệ sở hữu 11,89%, tương đương 67,94 triệu cổ phiếu VBB, tổng giá trị cổ phiếu khoảng 700 tỷ đồng.
Trong đó, riêng ông Nguyên nắm hơn 27,89 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,88% vốn, còn ông Dương Ngọc Hòa - cha ông Nguyên - nắm 3,81% vốn, tương đương hơn 21,74 triệu cổ phiếu.
Danh sách này không có tên bà Trần Thị Lâm – mẹ ông Nguyên, nhưng theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, bà Lâm chỉ nắm 114.000 cổ phiếu, tương đương 0,02% vốn.
Trong khi đó, bà Dương Mai Anh, Dương Bảo Anh - em gái ông Nguyên - có mặt trong danh sách vừa công bố, nắm lần lượt 1,76% và 1,42% vốn VietBank.
Ngoài ra, tổ chức có liên quan là CTCP Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm cũng đang sở hữu 4,52% vốn VietBank; CTCP Đầu tư Xây dựng Hoa Lâm nắm 3,45%..., các công ty này đều thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm.
Ngoài ra, còn những cái tên tổ chức khác như CTCP Xây dựng Halim, Công ty TNHH Phan Hoài Hiệp, Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Khang, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Đông Hải, CTCP Đầu tư Phú Trí và Công ty TNHH Vũ Quang Dung, Công ty TNHH Sỹ Phát.
Trong dàn lãnh đạo của VietBank, ngoài Chủ tịch Dương Nhất Nguyên, còn có Thành viên HĐQT Lưu Thị Hương Giang nắm 1,2% vốn, còn lại hầu hết đều không nắm giữ cổ phiếu nào.
Theo tìm hiểu, lâu nay, VietBank có quan hệ “mật thiết” với Tập đoàn Hoa Lâm do bà Trần Thị Lâm làm Chủ tịch. Bà Lâm từng là Phó Tổng Giám đốc VietBank từ tháng 5/2023 đến ngày 26/3/2024, bà Lâm được HĐQT VietBank miễn nhiệm chức danh này.
Trước đó, bà Trần Thị Lâm là một trong những đồng sáng lập của VietBank cùng với các pháp nhân liên quan như Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền vào năm 2006.
Từ tháng 9/2006, ông Dương Ngọc Hòa, Tổng giám đốc Hoa Lâm (chồng bà Trần Thị Lâm) làm Chủ tịch VietBank. Đến tháng 4/2021, con trai bà Trần Thị Lâm là ông Dương Nhất Nguyên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT VietBank với nhiệm kỳ dự kiến kéo dài đến 2025.
Tại Nghị quyết của HĐQT VietBank về việc thông qua ngân sách đầu tư bất động sản, VietBank dự kiến đầu tư 80 tỷ đồng vào bất động sản tại địa chỉ 90 Cao Thắng, phường 4, quận 3, TP.HCM. Mục đích của khoản đầu tư này là để xây dựng trụ sở Trung tâm Kinh doanh của ngân hàng, theo đề xuất của Tổng giám đốc.
Lô đất mà VietBank nhắm đến thuộc sở hữu của bà Trần Thị Lâm, với giá trị quyền sử dụng đất gần 75,8 tỷ đồng và giá trị tài sản trên đất là 4,2 tỷ đồng. Khoản thanh toán sẽ được thực hiện làm hai đợt: Đợt 1 thanh toán 30 tỷ đồng và đợt 2 thanh toán 50 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 7/2024, Tổng giám đốc VietBank cũng đã gửi tờ trình đề nghị đầu tư vào bất động sản làm trụ sở Trung tâm Kinh doanh. Lô đất được chọn là số 70-72 đường 17A, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM, cũng thuộc sở hữu của bà Trần Thị Lâm, với giá trị chuyển nhượng là 50 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng vài tháng, VietBank đã thông qua hai quyết định quan trọng, chi tổng cộng 130 tỷ đồng để đầu tư vào bất động sản phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Đáng chú ý, cả hai lô đất này đều thuộc sở hữu của một người – bà Trần Thị Lâm.
Hiện tại, các lô đất này đều đang được VietBank thuê từ nhiều năm nay. Cụ thể, mặt bằng tại 90 Cao Thắng được ghi nhận là thuê từ bà Dương Vân Anh, con gái bà Trần Thị Lâm, theo hợp đồng thuê kéo dài 5 năm, từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2025. Giá thuê là 230,5 triệu đồng/tháng (tương ứng 2,76 tỷ đồng/năm). Tuy nhiên, sau năm đầu tiên, hai bên đã ký phụ lục điều chỉnh giá thuê, trong đó mức giá từ 1/1/2023 đến 30/6/2026 còn 161,66 triệu đồng/tháng.
Mặt bằng số 90 Cao Thắng hiện đang là tòa nhà VietBank CT Building – tòa nhà 5 tầng với diện tích 173m² và diện tích sử dụng lên tới 900m². Đây là một tòa nhà văn phòng hạng C với các căn có diện tích từ 70-170m²; giá thuê dao động từ 14 USD/m².
Như vậy, với 80 tỷ đồng chi ra, lô đất này đang được định giá khoảng 462,4 triệu đồng/m2 tính cả tài sản trên đất; và khoảng 438,1 triệu đồng/m2 nếu chỉ tính riêng giá trị đất.
Đây là mức giá khá cao so với bình quân chung các lô đất khu vực đường Cao Thắng, quận 3. Các trang tin bất động sản đang rao bán nhà, đất khu vực này quanh mức 200-300 triệu đồng/m2.
Trước đó, mặt bằng số 70-72 đường 17A được VietBank thuê từ ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch HĐQT. Hợp đồng thuê có thời hạn 7 năm, từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2024. Giá thuê ban đầu là 70 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giá thuê đã được điều chỉnh, từ tháng 5/2022 tăng lên 150 triệu đồng/tháng, tương ứng 1,8 tỷ đồng/năm.
Mặt bằng này hiện đang phục vụ cho dự án Trung tâm Đào tạo và Trung tâm Kinh doanh Vietbank, với quy mô 1.200m².
Như vậy, sau nhiều năm dốc tiền đi thuê đất của 'người nhà' là các sếp trong ngân hàng, VietBank đã quyết định rót số tiền lớn mua đứt hai bất động sản này.
Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2024, VietBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 820 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 78% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 327 tỷ đồng, gấp 8,4 lần cùng kỳ 2023. Với việc rót 130 tỷ đồng vào bất động sản, VietBank đã mạnh tay trích khoảng 40% lợi nhuận nửa đầu năm để đầu tư vào đất đai.
Tính đến hết quý III/2024, dư nợ cho vay khách hàng của VietBank ở mức 90.811 tỷ đồng, tăng 13,6%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn so với trung bình của ngành ngân hàng.
Đáng chú ý, về chất lượng tài sản, tại thời điểm cuối tháng 9/2024, nợ xấu của VietBank tiếp tục tăng mạnh 46% so với đầu năm, lên mức 3.031 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 20% lên 1.710 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ gấp 3,2 lần lên 807 tỷ đồng; Nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng 29% lên 513 tỷ đồng.
Tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 2,56% của đầu năm lên 3,3%, nhưng giảm so mức 3,44% tại thời điểm cuối quý II vừa qua.