Bóng hồng lặng lẽ nơi tâm dịch

Đà Nẵng những ngày hè đổ lửa, nhưng dường như sức nóng của thiên nhiên không thiêu đốt tâm can mọi người bằng sức mạnh bí hiểm của virus SARS-CoV-2. Dải đất miền Trung trở thành chiến trường không tiếng súng. Ở nơi đó, có những nữ chiến binh với trọng trách kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, ngày mỗi ngày lại bền bỉ, kiên gan dùng tâm và sức chống chọi kẻ thù vô hình mang tên COVID-19.

Điều trị bệnh nhân nặng tại Đà Nẵng

Điều trị bệnh nhân nặng tại Đà Nẵng

Áp lực đè nặng

Dịch bệnh xảy ra bất ngờ, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) được chọn làm cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với 200 giường bệnh. Điều dưỡng trưởng Đặng Thị Công thực sự sốc với khối lượng công việc khi lãnh đạo giao phó. “Trong cuộc đời làm nghề của tôi và đồng nghiệp chưa bao giờ áp lực như đợt này”, chị chia sẻ.

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, chị Công hoảng hốt khi 5 nhân viên dọn vệ sinh xin nghỉ việc vì không thể chịu được áp lực. “Lúc mới đầu ai cũng có tâm lý bị lây nhiễm, bản thân những người dọn dẹp vệ sinh cũng là những chiến sĩ trong công tác phòng, chống dịch bởi có những người phải mang trên mình trang phục bảo hộ kéo dài suốt nhiều giờ khiến cơ thể bị mất nước”. Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn đó, chị bật mí bí quyết để lôi kéo mọi người quay trở vào cổng viện tiếp tục chiến đấu. “Gặp gỡ mọi người dưới tán cây ở cổng viện, tôi đưa điện thoại ra cho từng người xem các bức hình chụp các y bác sĩ cùng lao vào lau dọn, vệ sinh phòng bệnh... Tại sao bác sĩ chuyên gia đầu ngành ở trung ương và các bệnh viện lớn họ lao vào giúp mình mà mọi người vì chút áp lực đã xin nghỉ”, chị Công bật khóc kể về quá trình thuyết phục các nhân viên vệ sinh của bệnh viện.

Lần đầu tiên được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành với nhiều áp lực nhưng thực sự là cơ hội ngàn năm có một để mọi người trong đơn vị học hỏi và nâng cao tay nghề. Nếu không có dịch, phải mất hơn 10 năm nữa chất lượng điều trị cho bệnh nhân mới được như bây giờ. Những người phụ nữ ấy đều quả quyết làm việc tại đây đến lúc nào hết dịch rồi mới về.

“Nhiều lần trao đổi công việc mọi người cũng có giận dỗi, nóng nảy và căng thẳng nhưng sau đó ai cũng nghĩ rằng mình cần phải cố gắng hơn nữa. Xong ca làm việc, chúng tôi cùng chia sẻ, động viên để lấy lại tinh thần chiến đấu”, nữ điều dưỡng chia sẻ.

Góc khuất

Nhận lệnh vào Đà Nẵng tăng cường phòng chống dịch, cử nhân điều dưỡng Trần Thị Nga (Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai) không một giây chần chừ suy nghĩ, bởi bao năm gắn bó với công việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện chị hiểu hơn ai hết công việc này thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng để chặn đứng sự lây lan của virus trong các cơ sở y tế. Ngày đầu đặt chân đến Đà Nẵng, không nghỉ ngơi, chị di chuyển liên tục, lúc ở Bệnh Viện Phổi, lúc lại đang trong phòng bệnh nhân ở Trung tâm Y tế Hòa Vang.

Những bữa cơm tầng 4 khách sạn T.26 luôn có bóng dáng của chị. Chị bảo có vào đây mới thấy công việc bộn bề bởi còn quá nhiều tồn tại cần khắc phục trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện tại Đà Nẵng. Đặc biệt, tình trạng các nhân viên vệ sinh ký hợp đồng thời vụ bỏ việc diễn ra nhiều khiến công tác đào tạo gặp khó khăn.

“Chúng tôi mất thời gian, công tác đào tạo cho nhân viên vệ sinh, nhưng họ chỉ làm được mất vài ngày lại bỏ vì thấy công việc áp lực, vất vả”, chị Nga trăn trở. Cùng với các đồng nghiệp trong nhóm kiểm tra công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chị giải thích cặn kẽ cho nhân viên vệ sinh hiểu công việc của họ tuy thầm lặng nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Một, rồi hai và nhiều hơn nữa số người hiểu được ý nghĩa của công việc mà mình đang gánh vác sau những sẻ chia rất tận tình của điều dưỡng Nga. Họ ở lại và đồng hành cùng chị trong cuộc chiến lắm mất mát này.

Nhắc đến chuyện cá nhân, giọng chị chùng xuống. Dường như lúc này cảm giác nhớ nhà, thương chồng, thương con dồn nén, khuất lấp sau chuỗi công việc bận rộn lại trỗi dậy. Giọng nghèn nghẹn, chị chia sẻ: “Tôi may mắn có hậu phương vững chắc, được gia đình, chồng con đồng cảm, chia sẻ với công việc. Tôi có một bé gái đang chuẩn bị bước vào lớp 1…” nói đến đây cảm giác mạnh mẽ và bền bỉ những ngày chống dịch của người phụ nữ trốn đâu mất, chỉ còn hình ảnh người mẹ đau đáu nỗi lòng nhớ về đứa con bé bỏng đang mong mẹ mỗi ngày. Trong câu chuyện với chị, người đối diện hình dung ra cô con gái 6 tuổi nhỏ bé nhưng hiểu chuyện, hiểu được công việc vất vả của mẹ. “Mỗi ngày gọi điện về nói chuyện với con được 1-2 lần, con hỏi khi nào mẹ về, tôi chỉ biết nói khi nào hết dịch mẹ sẽ về”, chị Nga ngậm ngùi. Làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ở bệnh viện lớn nhất nước nên chị thường xuyên phải đi công tác hoặc về muộn sau mỗi ngày làm việc, vì thế số ngày đưa đón con đi học mẫu giáo vô cùng ít ỏi. Câu nói của con gái “Từ ngày con đi học rất ít khi mẹ đưa con đi học hoặc đón con về” khiến chị thương và hiểu những thiệt thòi của con hơn. Cô bé thường hỏi lúc nào mẹ về, chị không dám đưa ra mốc thời gian cụ thể. Nhắc lại lời con nói “Khi nào mẹ bắt đầu về thì báo với con để con còn ghi trên lịch là mẹ sẽ cách ly 14 ngày, mỗi ngày con gạch đi để đến ngày số 0 là con có thể ở cùng với mẹ”, nụ cười hạnh phúc bừng sáng gương mặt nữ điều dưỡng bởi những yêu thương nơi hậu phương đang tiếp sức cho chị trong cuộc chiến khốc liệt này…

Xa gia đình, làm việc ngày đêm trong môi trường nguy hiểm, mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng những chiến sĩ áo trắng đều có chung mục đích khi ra chiến trận. “Chúng tôi vào đây với tâm thế xung phong tình nguyện vào với đồng nghiệp để làm việc và làm việc. Gia đình nào cũng có những nỗi bận tâm riêng, lần này tôi lên đường cũng là lúc chồng vừa mắc ung thư mới phẫu thuật xong. Tôi sợ chồng bệnh tật suy nghĩ nhiều lại ảnh hưởng tới sức khỏe. Rất may anh hiểu công việc của vợ, mỗi tối 2 vợ chồng gọi điện thoại động viên nhau”, chị Trần Thị Hồng Hà, Điều dưỡng Trưởng, Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, (Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp Hải Phòng) chia sẻ sau một ngày làm việc tại Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn.

Trong quyết định đi chưa có thời gian về, nhưng bản thân chị cũng nghĩ rằng đã vào đến đây sẽ làm việc hết mình, đúng chuyên môn nghiệp vụ, học hỏi nhau. Là một trong những người đầu tiên của bệnh viện xung phong vào tâm dịch, chị xác định ở lại từ 1-3 tháng để tình hình dịch ổn định mới quay về. Sống giữa thời bình nhưng không khó để thấy ở người phụ nữ này bản lĩnh kiên cường của người lính. Chị lên đường vào với miền Trung gian khó bởi chị tin, kinh nghiệm và nỗ lực của mình có thể làm gương cho những người trẻ…

“Mỗi ngày gọi điện về nói chuyện với con được 1-2 lần, con hỏi khi nào mẹ về, tôi chỉ biết nói khi nào hết dịch mẹ
sẽ về”.
Chị Nga ngậm ngùi

“Này những chiến binh áo trắng anh hùng! Cả Đà Nẵng nghiêng mình mong ngóng. Ở trong kia tất cả sẽ yên bình. Ở ngoài này màu nắng sẽ lung linh...”, 4 câu trong bài thơ do vợ bác sĩ Trịnh Minh Thế, Bệnh viện C Đà Nẵng viết khi chứng kiến những vất vả của chồng và đồng nghiệp, như nguồn năng lượng tích cực lan tỏa, động viên những con người đang lặng thầm chiến đấu với kẻ thù vô hình giữa tâm dịch để trả lại một Đà Nẵng bình yên sau những ngày giông bão…

Điều dưỡng Trần Thị Nga hỗ trợ đồng nghiệp mặc đồ bảo hộ trước khi vào khu điều trị COVID-19

Điều dưỡng Trần Thị Nga hỗ trợ đồng nghiệp mặc đồ bảo hộ trước khi vào khu điều trị COVID-19

Điều dưỡng Trần Thị Nga trao đổi công việc với đồng nghiệp

Điều dưỡng Trần Thị Nga trao đổi công việc với đồng nghiệp

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bong-hong-lang-le-noi-tam-dich-so-29-1714409.tpo