'Bóng ma' Chiến tranh Lạnh trỗi dậy

Cuộc tập trận quy mô lớn nhất 35 năm qua của NATO trong bối cảnh mối quan hệ của liên minh quân sự này với Nga đang hết sức căng thẳng và xuống tới mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh tới nay đã làm trỗi dậy 'bóng ma' Chiến tranh Lạnh, khiến không chỉ châu Âu mà thế giới lo ngại sâu sắc.

NATO mở cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh

NATO mở cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh

NATO tập trận lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 24-1 đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh mang tên Steadfast Defender 2024 (Người bảo vệ kiên định 2024). Cuộc tập trận mở màn bằng động thái mang tính biểu tượng khi một tàu chiến Mỹ rời căn cứ quân sự Norfolk nằm tại bang Virginia (Mỹ), khởi động hành trình vượt Đại Tây Dương để triển khai lực lượng tới châu Âu. Tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu Christopher Cavoli nhấn mạnh: “Liên minh NATO thể hiện năng lực củng cố khu vực châu Âu - Đại Tây Dương thông qua hoạt động di chuyển lực lượng xuyên Đại Tây Dương từ Bắc Mỹ”.

Cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 có sự tham gia của khoảng 100.000 binh sĩ từ 32 quốc gia, trong đó có 31 nước thành viên NATO và Thụy Điển - quốc gia sắp gia nhập liên minh quân sự này. Trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết quốc gia thành viên NATO này cử 20.000 binh sĩ tham dự cuộc tập trận. Đây là chiến dịch triển khai quân lớn nhất của Anh trong 40 năm qua để tham gia cuộc tập trận của NATO. Cùng với khoảng 100.000 quân, các thành viên NATO cũng huy động tổng cộng khoảng 50 tàu chiến, 80 máy bay chiến đấu và hơn 1.100 xe tăng, xe thiết giáp, trong đó có 133 xe tăng. Cuộc tập trận, theo kế hoạch, kéo dài trong 5 tháng bao gồm loạt hoạt động kéo dài từ Bắc Mỹ tới sườn đông NATO, gần biên giới với Nga. Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic giáp biên giới với nước Nga đóng vai trò đặc biệt trong cuộc tập trận quy mô lớn trong hàng chục năm của NATO. Theo đó, các hoạt động tập trận chính diễn ra trên lãnh thổ Ba Lan và 3 quốc gia vùng Baltic.

Đáng chú ý, các hoạt động trên biển của cuộc tập trận được chú ý với sự tham gia của hơn 50 tàu sân bay, tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ tống và tàu đổ bộ. Cùng với đó, hơn 100 máy bay chiến đấu, máy bay vận tải, máy bay trinh sát hải quân cũng như các máy bay trực thăng CH43 Super Stallion, Merlin, Cobra và Osprey sẽ tham gia cuộc diễn tập trên không gần biên giới của Nhà nước Liên minh Nga - Belarus.

Steadfast Defender 2024 là cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ năm 1988, diễn ra khi liên minh quân sự này chú trọng xây dựng lực lượng sau khi bùng phát xung đột quân sự Nga và Ukraine hồi tháng 2-2022. NATO trong gần 2 năm qua đã điều động hàng nghìn binh sĩ tới sườn Đông và vạch nhiều kế hoạch sâu rộng để đối phó với Nga.

Trong cuộc tập trận gần đây nhất tổ chức vào năm 2021, NATO chỉ huy động khoảng 9.000 binh sĩ tham gia. Trong suốt hơn 30 năm qua kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, cuộc tập trận quy mô lớn lớn nhất “Trident Juncture” mà NATO tiến hành vào năm 2018 cũng chỉ huy động 50.000 quân tham gia. Việc huy động lực lượng lớn cho cuộc tập traanj, Steadfast Defender 2024 vì thế làm trỗi dậy “bóng ma” của Chiến tranh Lạnh trước đây. Tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu Christopher Cavoli phát đi thông điệp cứng rắn khi tuyên bố: “Đây sẽ là một biểu hiện rõ ràng về sự đoàn kết, sức mạnh và quyết tâm bảo vệ lẫn nhau của chúng ta”.

Đối đầu gay gắt như thời Chiến tranh Lạnh

Dù NATO không tuyên bố thẳng đối tượng của cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 là Nga, song nội dung và địa điểm diễn ra tập trận cho thấy rõ quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới này là đối thủ mà liên minh quân sự nhằm tới. NATO huy động binh lực và trang thiết bị vũ khí lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh tới nay diễn ra sau khi xảy ra cuộc xung đột khốc liệt giữa Nga và Ukraine, quốc gia muốn gia nhập liên minh quân sự.

NATO do Mỹ đứng đầu và Tổ chức Hiệp ước Vacsava do Liên Xô trước đây đứng đầu ra đời trong thời kỳ chiến tranh Lạnh như là hai đối trọng của nhau. Sau khi Tổ chức Hiệp ước Vacsava giải thể cùng với đó là sự tan vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, NATO không những không giải thể khi không còn lý do để tồn tại, trái lại còn tiếp tục mở rộng về phía Đông. NATO do Mỹ cầm đầu thực thi chiến lược “Đông tiến” đưa lực lượng của liên minh quân sự này áp sát biên giới nước Nga, quốc gia kế thừa Liên Xô.

NATO từ năm 2014 chính thức thực thi chiến lược “Đông tiến” bằng Chương trình mang tên “Đối tác vì hòa bình” hợp tác với các nước Đông Âu và Liên Xô trước đây. Chương trình mang tên “hòa bình” nhưng Matxcơva cho đây là sự đe dọa nghiêm trọng tới cân bằng chiến lược ở châu Âu cũng như an ninh của nước này. Lần lượt các nước Đông Âu như Ba Lan, CH Czech, Hungary, Bulgaria, Romania, rồi các nước vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây như Estonia, Latvia và Litva chính thức gia nhập NATO. Chưa dừng ở đó, đến Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Romania, NATO còn tiến thêm một bước nữa về phía Đông, đưa biên giới của liên minh quân sự này áp sát nước Nga khi lên kế hoạch tiếp nhận Ukraine và Gruzia thành thành viên của liên minh.

Những năm qua, Nga đã làm tất cả những điều có thể làm để ngăn chặn chiến lược “Đông tiến” của NATO. Đáng chú ý, cuối tháng 12-2021, Nga công bố đề xuất Hiệp ước an ninh mới với NATO gồm 8 điểm cùng một loạt yêu cầu liên quan đến vấn đề an ninh. Nổi bật nhất là yêu cầu NATO cam kết “tự kiềm chế không mở rộng về phía Đông, bao gồm kết nạp Ukraine và các nước khác”, không triển khai quân đến các quốc gia chưa từng có lực lượng NATO hiện diện trước năm 1997 như Ba Lan, Hungary, CH Czech, các nước Baltic thuộc Liên Xô trước đây…

Nói về bản dự thảo Hiệp ước an ninh 8 điểm, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, việc NATO kết nạp Ukraine hoặc triển khai vũ khí đến nước này là “lằn ranh đỏ” mà Matxcơva sẽ “không bao giờ cho phép phương Tây vượt qua bởi nó là mối đe dọa quá lớn tới an ninh quốc gia Nga”. Ông nhấn mạnh, nước Nga “không còn đường lui” bởi từ đó NATO có thể “triển khai tên lửa bắn tới Matxcơva chỉ sau 4-5 phút” và đó là “lằn ranh cuối cùng mà họ không thể vượt qua được nữa”. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine diễn ra trong bối cảnh liên minh quân sự NATO do Mỹ cầm đầu nhất quyết đưa biên giới của mình áp sát nước Nga bất chấp “lằn ranh đỏ” mà Matxcơva đặt ra cũng như điều mà Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga phải áp dụng “mọi biện pháp quân sự-kỹ thuật” để chống lại.

Cuộc tập trận Steadfast Defender được tiến hành trong lúc xung đột tại Ukraine vẫn rất khốc liệt và chưa hề thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, vì thế khiến không chỉ châu Âu mà thế giới lo lắng sâu sắc. Bức thông điệp sức mạnh của NATO muốn truyền tải từ cuộc tập trận không chỉ nhằm răn đe Nga mà còn khiến tất cả phải lo lắng với sự trỗi dậy của “bóng ma” Chiến tranh Lạnh.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexandre Groushko tuyên bố, quy mô cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 của NATO đánh dấu sự “trở lại không thể thay đổi” của liên minh quân sự này đối với các âm mưu Chiến tranh Lạnh. Quan chức ngoại giao cấp cao của Nga nhấn mạnh: “Cuộc tập trận đánh dấu sự trở lại cuối cùng và không thể thay đổi của NATO đối với các âm mưu Chiến tranh Lạnh, khi quá trình lập kế hoạch quân sự, các nguồn lực và cơ sở hạ tầng đang được chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Nga”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bong-ma-chien-tranh-lanh-troi-day-post565547.antd