Brazil ghi nhận những dấu hiệu tích cực đầu tiên về dịch COVID-19
Ngày 19/8, Bộ Y tế Brazil đánh giá tình hình dịch bệnh tại quốc gia này bắt đầu có dấu hiệu cải thiện khi các báo cáo đều chỉ ra tỷ lệ lây nhiễm đang hướng tới mức an toàn và tổng số ca mắc và tử vong hằng tuần cũng giảm dần.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Brazil, số ca mắc mới tuần trước là 304.684, giảm so với mức đỉnh điểm 319.653 ca trong tuần tính đến hết ngày 25/7. Trong khi đó, số ca tử vong hằng tuần cũng giảm xuống mức 6.755 ca từ mức đỉnh điểm 7.677 ca ghi nhận trong tuần cuối cùng của tháng 7.
Truyền thông Brazil cũng dẫn báo cáo nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London chỉ ra lần đầu tiên kể từ tháng 4, tỷ lệ lây nhiễm tại Brazil xuống dưới mức 1, tức là 1 người bệnh sẽ lây cho chưa đến 1 người khác.
Tuy nhiên, giới chức y tế Brazil vẫn thận trọng khuyến cáo cần tiếp tục theo dõi số liệu trong 2 tuần tới để đánh giá xem chỉ số này có tiếp tục giảm đáng kể để được coi là một xu hướng hay không. Vì vậy, người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Cùng ngày, giới chức nước này thông báo thêm 49.298 ca mắc mới và 1.212 ca tử vong vì dịch COVID-19 trong 24 giờ trước đó. Hiện Brazil ghi nhận tổng cộng trên 3,45 triệu ca mắc bệnh, trong đó có trên 111.000 ca tử vong, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ.
* Trong khi đó, một điểm nóng khác của khu vực Nam Mỹ là Colombia cũng ghi nhận tổng số ca mắc bệnh vượt mức 500.000 trong khi tổng số ca tử vong cũng tiến gần tới mức 16.000. Cụ thể, quốc gia này ghi nhận 502.178 ca mắc bệnh, trong đó có 15.979 ca tử vong.
Hồi cuối tháng 3, Chính phủ Colombia tuyên bố phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tới nay, hầu hết các hoạt động kinh doanh đã dần được nối lại hoặc hoạt động dưới hình thức cung cấp dịch vụ mang đi. Biện pháp phong tỏa sẽ kéo dài tới cuối tháng 8, với các hạn chế nghiêm ngặt hơn ở các khu dân cư thủ đô Bogota, nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn. Hơn 1/3 tổng số ca nhiễm tại Colombia tập trung ở thủ đô Bogota và hiện 82% cơ sở điều trị tích cực tại thủ đô đã được trưng dụng.
* Tâm dịch châu Á, Ấn Độ, ngày 20/8 thông báo tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này đã vượt 2,8 triệu ca. Cụ thể, sau khi ghi nhận thêm 69.652 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tổng số ca bệnh tại quốc gia này đã lên mức 2.836.925 ca, trong đó có 53.866 ca tử vong, tăng 977 ca so với một ngày trước đó. Trên 2 triệu bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ đã hồi phục và khoảng trên 686.000 ca đang được điều trị trên cả nước.
Trong những tuần qua, chính phủ nước này cũng đã tập trung đẩy mạnh xét nghiệm để phát hiện sớm các ca bệnh, đặc biệt là những ca không triệu chứng.
* Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, chính phủ nước này tuyên bố tính đến ngày 19/8, tất cả các khu ký túc dành cho người lao động nước ngoài tại quốc đảo sư tử, trong đó tính cả các cơ sở cách ly được thiết lập riêng trong các khu này, không còn bệnh nhân COVID-19. Khoảng 330.000 (86%) lao động nước ngoài trong các lĩnh vực xây dựng, hàng hải và chế biến ở Singapore đã được trở lại làm việc - tăng so với 81% vào tuần trước. Hiện tất cả những người trong các cơ sở cách ly này đã hoàn thành thời hạn cách ly hoặc được chuyển sang các cơ sở cách ly khác của chính phủ tùy theo tình trạng sức khỏe của họ.
Singapore cũng đã thực hiện một chiến lược đa tầng để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai tại các khu lao động nước ngoài. Chiến lược này bao gồm tập hợp các lao động nước ngoài vào các khu ký túc theo loại hình ngành nghề của người lao động và thực hiện các biện pháp giãn cách an toàn. Khi một ca nhiễm mới được phát hiện, những nỗ lực truy vết tiếp xúc bắt đầu được thực hiện.
Các cơ quan sẽ làm việc chặt chẽ với chủ sử dụng lao động để đánh giá nguy cơ tại nơi làm việc và đưa ra thời gian tạm nghỉ an toàn nếu cần thiết. Khi những người có tiếp xúc gần trực tiếp với các lao động nhập cư có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 được xác định, họ sẽ được cách ly 14 ngày tại cơ sở cách ly riêng biệt. Những trường hợp tiếp xúc gần khác sẽ được cách ly tại các khu ký tục của họ và được xét nghiệm thường xuyên nhằm đảm bảo họ không nhiễm virus trước khi được phép quay trở lại làm việc.