Brexit: Bầu cử sớm có mang lại 'phép màu'?

Các nghị sĩ Anh ngày 28/10 đã 'đánh gục' nỗ lực của Thủ tướng Boris Johnson - người muốn tiến hành một cuộc bầu cử sớm vào ngày 12/12 tới. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí gia hạn tiến trình Anh rời EU (Brexit) thêm 3 tháng, tức là vào ngày 31/1/2020.

Ngày 24/10, Thủ tướng Anh kêu gọi tiến hành cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 12/12 tới. (Nguồn: AP)

Hạ viện “chặn đường” bầu cử sớm

Ông Johnson hy vọng cuộc bầu cử sớm sẽ giúp ông tập hợp được thế đa số ủng hộ để thông qua thỏa thuận Brexit. Thế nhưng, nỗ lực lần thứ 3 này chỉ giành được 299 phiếu ủng hộ ở Quốc hội, chưa đủ 424 số phiếu (tức 2/3 số phiếu cần thiết ở Hạ viện 650 ghế) để thông qua việc bầu cử sớm.

Chưa chịu thua cuộc, Thủ tướng Johnson tuyên bố ông sẽ thử một lần nữa, mà lần này là qua “ngả lập pháp”. Ông tuyên bố: “Chúng ta không cho phép tình trạng tê liệt này tiếp diễn, bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải tiến hành bầu cử”. Thủ tướng Johnson cũng cáo buộc Hạ viện bắt đất nước làm “con tin”. Theo "ngả lập pháp" này, ông Johnson sẽ cần sự ủng hộ của các đảng đối lập như đảng Quốc gia Scottish (SNP) và đảng Dân chủ Tự do. Hai đảng này muốn tiến hành bầu cử sớm vào ngày 9/12. Văn phòng Thủ tướng trước đó đã khẳng định rằng London sẽ không đưa thỏa thuận Brexit quay trở lại Hạ viện, nhiều khả năng mở đường để hai đảng đối lập nói trên ủng hộ một cuộc bầu cử sớm vào ngày mà ông Johnson mong muốn là 12/12.

Có thể sẽ có một cuộc bỏ phiếu khác để quyết định liệu có tiến hành một cuộc bầu cử vào ngày 12/12 hay không khi mà ông Johnson nhất quyết không từ bỏ mong muốn tiến hành một cuộc bầu cử trước lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu một cuộc bầu cử có giúp thỏa thuận Brexit được thông qua hay không? Câu trả lời là "không nhất thiết như vậy" khi mà thỏa thuận Brexit vẫn trong tình trạng bị “tê liệt” ở Hạ viện.

Tuy nhiên, một cuộc bầu cử sẽ giúp khôi phục thế đa số cho đảng Bảo thủ cầm quyền và trao cho Thủ tướng Johnson thêm tầm ảnh hưởng ở Quốc hội. Một cuộc bầu cử sớm cũng có nguy cơ làm gia tăng rủi ro cho ông Johnson và các thành viên đảng Bảo thủ khi cử tri cho rằng ông Johnson và đảng cầm quyền không thực hiện được lời cam kết trong chiến dịch tranh cử là sẽ thực hiện Brexit vào ngày 31/10 dù “sống hay chết”. Hiện nay, các chuyên gia nhận định một cuộc trưng cầu dân ý mới có thể đem lại khả năng phá vỡ thế bế tắc về Brexit. Tuy nhiên, việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý cần ít nhất 22 tuần. Và cái vòng luẩn quẩn lại diễn ra ở đây là chính phủ không có quyền quyết định việc này mà phụ thuộc vào sự ủng hộ của đa số nghị sĩ và Thượng viện Anh.

EU trì hoãn Brexit thêm 3 tháng. (Nguồn: BBC)

Gia hạn linh hoạt

Việc EU nhất trí gia hạn Brexit diễn ra chỉ 3 ngày trước thời hạn chót Anh rời EU là ngày 31/10. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố: “27 nước thành viên EU đã chấp thuận yêu cầu của Anh gia hạn linh hoạt cho Brexit cho đến ngày 31/1/2020”. Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson đã miễn cưỡng chấp nhận sự gia hạn này.

Ông đã tuyên bố với các nước thành viên EU rằng không thể gia hạn thêm cho Brexit sau ngày 31/1/2020 vì theo ông “khoảng thời gian gia hạn nói trên là quá đủ để thông qua thỏa thuận Brexit”. Theo bản sao về thỏa thuận gia hạn nói trên, nếu ông Johnson thuyết phục được các nghị sĩ Anh thông qua thỏa thuận Brexit trong những tuần tới đây, Brexit có thể diễn ra vào ngày 30/11/2019 hoặc ngày 31/12/2019. Khả năng này có thể xảy ra vì hồi tuần trước, các nghi sĩ Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit của ông Johnson song chỉ không muốn vội vàng thông qua thỏa thuận này trước ngày 31/10. Nếu không có nước EU nào phản đối thỏa thuận gia hạn trong vòng 24 giờ thì thỏa thuận trì hoãn Brexit này sẽ được chính thức thông qua vào trưa 29/10 hoặc ngày 30/10.

Sau gần 4 năm "lao tâm khổ tứ" cho tiến trình Brexit, nước Anh vẫn chia rẽ về cách thức và thời gian tiến hành cuộc chia ly này cũng như băn khoăn không biết có nên tiến hành Brexit nữa hay không. Mặc dù hầu hết chính trị gia của Anh nhất trí rằng một cuộc bầu cử là cần thiết, song họ lại muốn giáng một đòn chính trị “khủng” nhằm hủy hoại ông Johnson khi không thông qua thỏa thuận Brexit.

Ông Johnson đã nỗ lực 2 lần trước khi thúc đẩy một cuộc bầu cử nhằm phá vỡ thế bế tắc. Công đảng đối lập không ưa thảo thuận Brexit của ông Johnson, tuyên bố rằng đảng này sẽ không ủng hộ bầu cử sớm cho đến khi nào ông từ bỏ mối đe dọa Brexit không thỏa thuận. Một số nghị sĩ lo sợ rằng nếu thỏa thuận Brexit không quả được “ải” Quốc hội, ông Johnson có thể trì hoãn Brexit cho đến tháng 2/2020, làm gia tăng nguy cơ về một Brexit “cứng”, vốn có thể gây tổn hại kinh tế.

EU đã mệt mỏi vì cuộc khủng hoảng kéo dài của Anh. Thế nhưng, khối này lại không muốn phải chịu trách nhiệm về một cuộc chia ly không thỏa thuận mà có khả năng làm đảo lộn tình hình kinh tế của liên minh cũng như của Anh.

(theo AFP, Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/brexit-bau-cu-som-co-mang-lai-phep-mau-103512.html