BRI và Global Gateway – 'Đôi bạn cùng tiến'

Hồi tháng 2/2021, Liên minh châu Âu (EU) công bố một dự án đầy tham vọng được thiết kế nhằm mục đích thúc đẩy kết nối liên khu vực mang tên Chiến lược 'Cửa ngõ toàn cầu' (Global Gateway - GG). Mang phạm vi đầy tham vọng, nên GG được nhiều người coi là đối trọng hoặc thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Nhấn mạnh GG là một “dự án địa chính trị” và “công cụ quan trọng”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố: EU không chỉ là một thực thể sẵn sàng tham gia vào cạnh tranh địa chính trị, đồng thời “xuất khẩu” các chuẩn mực và giá trị của riêng mình.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại GGF diễn ra hồi tháng 10 vừa qua.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại GGF diễn ra hồi tháng 10 vừa qua.

Chiến lược này nhằm mục đích đầu tư 300 tỷ euro (hơn 316 tỷ USD) từ nay đến năm 2027 vào việc phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm trên toàn thế giới, như cơ sở sản xuất vaccine, đường sá và kết nối Internet tốc độ cao, số hóa vận tải, củng cố hệ thống y tế, giáo dục, nghiên cứu toàn cầu; từ đó thúc đẩy phát triển bền vững, giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu, các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng và tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng.

Điều này khác với BRI của Trung Quốc, vốn tập trung tối đa vào đầu tư quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng như cảng, đường bộ, đường sắt, sân bay, nhà máy điện và viễn thông. EU mô tả GG sẽ bền vững, minh bạch, an toàn và khả thi hơn BRI. Chiến lược này cũng hứa hẹn một mô hình tài trợ mạnh mẽ hơn bao gồm sự kết hợp giữa các khoản tài trợ, cho vay ưu đãi và bảo lãnh nhằm huy động đầu tư của khu vực tư nhân. Ngược lại, BRI chỉ tập trung vào các khoản vay của chính phủ. GG cũng đặc biệt chú trọng đến hỗ trợ chuyên môn, tài chính và kỹ thuật. Trọng tâm của chiến lược vượt xa các dự án cơ sở hạ tầng riêng lẻ và được thiết kế vừa toàn diện vừa mang tính quy chuẩn.

Bất kể GG hiện có triển vọng gì, EU sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi thực hiện chiến lược đầy tham vọng như vậy. Để tiếp thị GG cho các đối tác bên ngoài khối, trước tiên EU phải thúc đẩy các quốc gia thành viên của mình hướng tới một mục tiêu chiến lược chung. Tuy nhiên, gần ba năm sau khi thành lập, GG hầu như không đạt được bất kỳ kết quả mong đợi nào.

Tại Diễn đàn GG (GGF) lần thứ nhất diễn ra hồi tháng 10 vừa qua ở Brussels (Bỉ), Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy dự án này có bất kỳ tác động có ý nghĩa nào đối với các đối tác của EU. Thay vào đó, ông chỉ lặp lại những khẳng định quen thuộc về kết quả tiềm năng của chiến lược đầy tham vọng và cách nó sẽ bảo vệ “hệ thống đa phương dựa trên quy tắc”. Điều này đặt ra câu hỏi là sẽ mất bao lâu nữa cho đến khi GG khởi công nhiều dự án hàng đầu và tạo ra những kết quả rõ ràng, như đã được chứng kiến với Đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, Cầu Peljesac và Nhà ga Vado Gateway trong khuôn khổ BRI.

Tuy nhiên, một khoảnh khắc đáng chú ý đã xảy ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tổ chức ở Ấn Độ vào tháng 9/2023, khi Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông - châu Âu (IMEC) được công bố sau khi các bên ký một bản ghi nhớ. Mặc dù vậy, do những bất ổn địa chính trị nghiêm trọng ở các khu vực liên quan và điểm yếu lâu năm của EU trong vai trò là một bên tham gia chiến lược, có rất nhiều lý do để đặt câu hỏi về triển vọng thành công của IMEC. Ngoài ra, các nguyên tắc làm nền tảng cho GG phản ánh sự thể hiện tập trung và mở rộng quyền tự chủ chiến lược của EU. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ EU có thể đạt được kết quả mong muốn thông qua GG ở mức độ nào trong khi vẫn phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn của sự cạnh tranh địa chính trị.

Theo giới phân tích, cơ sở lý luận của EU đối với chiến lược GG là không có cơ sở nếu trọng tâm chính của EU là thay thế BRI của Trung Quốc. Ẩn dưới tâm lý cạnh tranh của EU là cảm giác lo lắng và bất an. Sự lo lắng của EU bắt nguồn từ tính trung tâm địa chính trị và quy phạm đang suy giảm của khối này. Sự lo lắng về vị thế quốc tế của họ so với Trung Quốc là đi ngược với ý định của Brussels nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đa phương nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu. Thay vì đối trọng với BRI của Trung Quốc, chiến lược GG nên được sử dụng để góp phần thực hiện các mục tiêu đã nêu là tăng cường kết nối và thịnh vượng toàn cầu. Do đó, các chính trị gia ở Brussels nên xem xét việc tăng cường GG bằng cách làm cho nó tương thích với các sáng kiến khác, thay vì biến nó thành công cụ cho một cuộc cạnh tranh địa chính trị có tổng bằng 0 mà nhiều bên thứ ba ít quan tâm.

Toàn bộ thế giới đang rất cần những khoản đầu tư lớn hơn vào cơ sở hạ tầng và kết nối. Nhiều quốc gia châu Phi, Mỹ Latinh, Đông Nam Á và Tây Balkan sẽ vui vẻ hơn khi có sẵn nhiều lựa chọn và giải pháp thay thế dựa trên nhu cầu thực tế, thay vì lựa chọn loại trừ lẫn nhau giữa GG và BRI. GG và BRI có những ưu tiên, trọng tâm tương ứng và các mô hình tài chính và cấp vốn bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, cả hai có chung mục tiêu là cải thiện sự thịnh vượng toàn cầu thông qua tăng cường kết nối. Theo nghĩa đó, GG và BRI có sự bổ sung tiềm năng cho nhau.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/bri-va-global-gateway--doi-ban-cung-tien-i718153/