Bù lỗ để bao tiêu cho nông dân nuôi cá tra liên kết

Với vùng nuôi liên kết rộng khoảng 350 ha đạt sản lượng hơn 10 nghìn tấn cá/tháng của hàng trăm hộ nuôi liên kết, Tập đoàn Sao Mai đã chi gần 700 tỷ đồng nhằm bù lỗ vào chênh lệch khi giá cá tra sụt giảm mạnh. Tập đoàn Sao Mai chấp nhận chịu thiệt để giữ chữ tín trong kinh doanh một khi đã cam kết bao tiêu cá thương phẩm với các hộ nuôi liên kết.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty IDI thuộc Tập đoàn Sao Mai.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty IDI thuộc Tập đoàn Sao Mai.

NDĐT - Với vùng nuôi liên kết rộng khoảng 350 ha đạt sản lượng hơn 10 nghìn tấn cá/tháng của hàng trăm hộ nuôi liên kết, Tập đoàn Sao Mai đã chi gần 700 tỷ đồng nhằm bù lỗ vào chênh lệch khi giá cá tra sụt giảm mạnh. Tập đoàn Sao Mai chấp nhận chịu thiệt để giữ chữ tín trong kinh doanh một khi đã cam kết bao tiêu cá thương phẩm với các hộ nuôi liên kết.

Sáng nay, 6-1, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, Tập đoàn Sao Mai tổ chức tổng kết mô hình phát triển vùng nguyên liệu nông thủy sản niên vụ 2019 với hơn 200 nông dân liên kết tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội cá tra Việt Nam và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBĐSCL) tham dự.

Sau những đợt tăng giá kỷ lục năm 2018, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL năm 2019 đảo chiều rớt giá kéo dài. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu chỉ dao động từ 17.500 đến 19 nghìn đồng/kg, đẩy các hộ nuôi vào cảnh thua lỗ, nhiều hộ nuôi phải treo ao. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và vực dậy nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL, Tập đoàn Sao Mai đã thực hiện mô hình liên kết và bao tiêu cá tra thịt với giá ổn định với hàng trăm hộ nông dân các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ... Trong thời điểm giá cá tra nguyên liệu trên thị trường giảm sâu thì những hộ nuôi cá tra có liên kết với Tập đoàn Sao Mai vẫn duy trì sản xuất, bởi được Tập đoàn thu mua vào theo hợp đồng với giá 25 nghìn đồng/kg.

Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai Lê Thanh Thuấn chia sẻ: “Tập đoàn đã chi gần 700 tỷ đồng để bù lỗ vào chênh lệch khi giá cá tra sụt giảm mạnh. Chúng tôi chấp nhận chịu thiệt để giữ chữ tín trong kinh doanh một khi đã cam kết bao tiêu cá thương phẩm với các hộ nuôi liên kết. Cũng nhờ đó, sản lượng của vùng nuôi liên kết rộng khoảng 350 ha vẫn đạt hơn 10 nghìn tấn cá/tháng, bảo đảm nguyên liệu cung cấp cho ba nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty IDI (thành viên Sao Mai Group) hoạt động ổn định”.

Mô hình liên kết giúp Tập đoàn Sao Mai có nguồn cá tra nguyên liệu ổn định.

Mô hình liên kết giúp Tập đoàn Sao Mai có nguồn cá tra nguyên liệu ổn định.

Nhờ mô hình liên kết với nông dân đã giúp Công ty chủ động được nguồn nguyên liệu để linh hoạt thực hiện chiến lược mở rộng thị trường và nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường cá da trơn thế giới. Nhiều năm liên tục, IDI giữ vững vị trí tốp đầu trong các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành hàng cá tra.

BÙI QUỐC DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42830102-bu-lo-de-bao-tieu-cho-nong-dan-nuoi-ca-tra-lien-ket.html